Hướng dẫn một số công thức pha trà bằng ấm tử sa
Ấm tử sa đã không còn quá xa la đối với những người yêu thích và đam mê nghệ thuật trà đạo. Loại trà cụ này không chỉ đẹp mà còn giúp tôn lên hương vị nguyên bản của từng lá trà. Trong bài viết này, Tử Sa Trân Ngoạn sẽ chia sẽ cho bạn một số công thức pha trà bằng ấm tử sa thơm ngon, chuẩn vị.
Cách pha trà bằng ấm tử sa
Pha trà bằng ấm tử sa không quá khó, nhưng đòi hỏi bạn chú ý đến ba yếu tố chính: lượng trà (tỷ lệ trà và nước), thời gian ngâm trà, và nhiệt độ nước. Đây là chìa khóa để bạn kiểm soát được độ đậm nhạt, hương thơm và vị ngọt của trà. Điều tuyệt vời nhất là bạn không cần phải rập khuôn theo một công thức cố định. Tùy vào loại trà bạn chọn – từ phẩm chất, hình dạng lá, đến tuổi trà – hay đơn giản là tâm trạng ngày hôm đó, bạn có thể linh hoạt điều chỉnh để tạo ra chén trà “chuẩn gu” của mình.

Ví dụ, nếu bạn muốn một buổi trà sáng thật đậm để tỉnh táo, hãy tăng lượng trà lên một chút. Còn nếu bạn cần thư giãn vào buổi tối, chỉ cần giảm thời gian ngâm để trà nhẹ nhàng hơn. Sau vài lần thử, bạn sẽ tự tìm ra cách pha hợp ý, biến mỗi lần pha trà thành một trải nghiệm cá nhân hóa. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết cho từng loại trà phổ biến khi dùng ấm tử sa – từ cách đo lường đến mẹo nhỏ để trà ngon hơn.
Xem thêm: 5 Cách Pha Trà Phổ Biến & Lâu Đời
Một số công thức pha trà bằng ấm tử sa
1. Hồng trà (Kim Tuấn Mi, Đông Phương Mỹ Nhân,…)
Hồng trà với hương thơm ngọt ngào và vị đậm đà là lựa chọn hoàn hảo để khởi đầu ngày mới.
- Nhiệt độ nước: 100 độ – nước sôi hoàn toàn.
- Tỷ lệ: 1:30 (1g trà cho 30ml nước). Ví dụ: ấm 150ml dùng 5g trà.
- Thời gian ngâm trà:
- Nước tráng: Rót nước sôi vừa ngập trà, nhanh tay rót ra ngay, không ngâm trà lâu.
- Nước 1, 2, 3: Ngâm 15 giây, rồi rót hết ra tống.
- Nước 4, 5: Ngâm 20 – 30 giây, rồi rót hết ra tống.
- Nước sau: Tăng thời gian tùy theo độ đậm nhạt của nước trước đó.

2. Nham trà (Đại Hồng Bào)
Nham trà mang vị khoáng đặc trưng, thoảng ngọt hậu, đại diện cho tinh hoa trà núi Vũ Di.
- Nhiệt độ nước: 100 độ.
- Tỷ lệ: 1:12,5 (1g trà cho 12,5ml nước). Ví dụ: ấm 50ml dùng 4g trà.
- Thời gian ngâm trà:
- Nước 1 (không tráng): Rót nước sôi đầy ấm rồi rót hết nước trong ấm ra tống liền, không ngâm trà.
- Nước 2: Ngâm 5 giây rồi rót hết nước trong ấm ra tống.
- Nước 3, 4, 5…: Mỗi lần pha tăng thêm 5 giây.

3. Phổ Nhĩ sống:
Phổ Nhĩ sống với vị chát nhẹ ban đầu, hậu ngọt kéo dài, rất hợp để nhâm nhi buổi chiều.
- Nhiệt độ nước: 100 độ.
- Tỷ lệ: 1:30 (1g trà cho 30ml nước). Ví dụ: ấm 150ml dùng 5g trà.
- Thời gian ngâm trà:
- Nước tráng: Rót nước sôi đầy ấm, ngâm 8 giây nếu trà rời, hoặc 20 giây nếu trà viên, đợi đến khi trà nở nhẹ thì rót hết nước ra.
- Nước 1: Ngâm 10 giây, rót hết ra tống.
- Nước 2, 3: Ngâm 8 giây mỗi lần.
- Nước 4, 5, 6…: Tăng 5 – 8 giây mỗi lượt pha.

4. Phổ Nhĩ chín:
Phổ Nhĩ chín với màu đỏ sẫm và vị ngọt đậm là bạn đồng hành lý tưởng cho buổi tối thư thái.
- Nhiệt độ nước: 100 độ.
- Tỷ lệ: 1:30 (1g trà cho 30ml nước). Ví dụ: ấm 150ml dùng 5g trà.
- Thời gian ngâm trà:
- Nước tráng: Rót nước sôi đầy ấm, ngâm 10 giây nếu trà rời, 20 giây nếu trà viên, đợi đến khi trà nở nhẹ thì rót hết nước ra. Nếu thấy nước trà chưa trong, bạn có thể tráng trà thêm lần thứ 2.
- Nước 1: Ngâm 10 giây, rót hết ra tống.
- Nước 2, 3: Ngâm 8 giây mỗi lần.
- Nước 4, 5, 6…: Tăng 8 – 15 giây tùy gu đậm nhạt. Tùy theo gu uống nhạt hay đậm có thể giảm thời gian ngâm lại hoặc tăng thêm thời gian ngâm trà.
- Mẹo: Để trà nguội khoảng 30 giây sau khi rót ra tống để vị ngọt và độ béo nổi bật hơn.
5. Trà Đơn Tùng Phượng Hoàng:
Trà Đơn Tùng với hương hoa quả tự nhiên có hai cách pha để bạn lựa chọn:
Cách 1:
- Nhiệt độ nước: 100 độ.
- Tỷ lệ: 1:20 (1g trà cho 20ml nước). Ví dụ: ấm 160ml dùng 8g trà.
- Thời gian ngâm trà:
- Nước tráng: Tráng nhanh, rót nước sôi vừa ngập trà thì nhanh tay.
- Nước 1: Ngâm 5 giây, rót hết ra tống.
- Nước 2, 3: Ngâm 10 giây mỗi lần.
- Nước 4, 5, 6…: Tăng 5 giây cho mỗi lượt pha.

Cách 2:
- Nhiệt độ nước: 100 độ.
- Tỷ lệ: 1:10 (1g trà cho 10ml nước). Ví dụ: ấm 100ml dùng 10g trà.
- Thời gian ngâm trà:
- Nước 1 (không tráng): Rót nước đầy ấm, rót ra ngay.
- Nước 2, 3: Ngâm 5 giây mỗi lần.
- Nước 4, 5, 6…: Tăng 5 giây cho mỗi lượt pha.
6. Trà Ô long
Trà Ô Long với hương thơm thanh tao và vị ngọt hậu là lựa chọn để thư giãn bất cứ lúc nào.
- Nhiệt độ nước: 100 độ.
- Tỷ lệ: 1:22 (1g trà cho 22ml nước). Ví dụ: ấm 150ml dùng 7g trà.
- Thời gian ngâm trà:
- Nước tráng: Đổ nước ngập trà, ngâm 10 giây, rót hết ra.
- Nước 1: Ngâm 15 giây, rót hết ra tống.
- Nước 2, 3: Ngâm 5 giây mỗi lượt pha..
- Nước 4, 5…: Mỗi lượt nước tăng 5 giây.

7. Trà xanh (Nõn Đinh)
Trà xanh (Nõn đinh) thanh mát cần nhiệt độ thấp hơn để giữ vị tinh tế, tránh đắng.
- Nhiệt độ nước: 75 – 80 độ.
- Tỷ lệ: 1:35 (1g trà cho 35ml nước). Ví dụ: ấm 170ml dùng 5g trà.

- Thời gian ngâm trà:
- Nước tráng: Đổ nước vừa ngập trà, rót ra ngay.
- Nước 1: Ngâm 10 giây, rót hết ra tống.
- Nước 2: Ngâm 5 giây, rót hết ra tống.
- Nước 3, 4: Tăng 5 giây mỗi lượt pha.
8. Bạch Trà
Bạch trà với vị tinh khiết và nhẹ nhàng đòi hỏi sự tỉ mỉ để bung tỏa hương thơm.
- Nhiệt độ nước: 80 – 85 độ.
- Tỷ lệ: 1:30 (1g trà cho 30ml nước). Ví dụ: ấm 150ml dùng 5g trà.
- Thời gian ngâm trà:
- Nước tráng: Rót nước sôi vừa ngập qua trà, ngâm 5 giây rồi rót hết nước ra.
- Nước 1, 2: Ngâm 10 giây mỗi lần.
- Nước 3, 4: Ngâm 15 giây, rồi rót hết nước trong ấm ra tống.
- Nước 5,6,…: mỗi nước cộng thêm 5 giây.

Pha trà bằng ấm tử sa không chỉ là cách để thưởng thức một chén trà ngon, mà còn là cơ hội để bạn chậm lại, cảm nhận từng hương vị và tìm thấy sự bình yên trong những điều giản dị. Mỗi loại trà mang một câu chuyện riêng, và bạn chính là người kể câu chuyện ấy qua cách pha của mình.
Đừng ngại thử nghiệm – tăng giảm thời gian, thay đổi lượng trà, hay đơn giản là pha theo cảm hứng ngày hôm đó. Với ấm tử sa, bạn không chỉ pha trà mà còn pha cả niềm vui, sự thư thái và những khoảnh khắc đáng nhớ. Chúc bạn có những buổi trà thật trọn vẹn, bên người thân, bạn bè, hay chỉ một mình với chính bạn!
By TSTN