/ / Mục số của Tử Sa có ý nghĩa và ảnh hưởng như thế nào ?

Mục số của Tử Sa có ý nghĩa và ảnh hưởng như thế nào ?

Mục số là gì?

Mục số của tử sa là chỉ số đo lường độ mịn của đất trong quá trình chế tác. Chỉ số này được xác định qua việc sử dụng một chiếc sàng. Mục số thể hiện số lỗ có trên một inch vuông của sàng. Ví dụ, đất có mục số 50 có nghĩa là trong một inch vuông sàng có 50 lỗ nhỏ (một inch tương đương 25,4mm). Mục số càng lớn, tức là đất càng mịn, ngược lại thì càng thô.

Mục số của ấm tử sa cũng có thể gọi là “mã số”. Đây thực chất là chỉ số lỗ trên sàng dùng để lọc đất tử sa, đo lường số lỗ trong mỗi cm vuông của sàng.

Các mục số phổ biến

Trên thị trường, Tử Sa thường có số mục từ 40 đến 60. Khoảng này giúp đảm bảo thành phẩm có tỷ lệ thành công cao, độ thoáng khí tốt và giúp trà có hương vị đậm đà hơn.

Xem thêm: Có thể đổi loại trà khi sử dụng cùng một chiếc ấm tử sa không?

  • 16, 24, 32 mục: Hạt đất lớn, gây hao mòn dụng cụ, ít được dùng để làm ấm.
  • 80, 100 mục: Thường dùng cho trang trí bề mặt, ít phù hợp để chế tác ấm.
  • 180 mục: Có thể dùng máy để tạo hình, nhưng ấm gần như không có độ thoáng khí.

Các mục số phổ biến nhất của đất tử sa bao gồm 24, 32, 40, 60, 80, 100… và có thể tăng thêm nếu yêu cầu đặc biệt. Để dễ hiểu hơn, dưới đây là các hình ảnh so sánh sự khác biệt giữa các mục số:

Ảnh hưởng của mục số đến chất lượng ấm tử sa

Vào thời Minh, đất tử sa thường có kích thước hạt từ 26 – 35 mục, trong khi đầu thời Thanh phổ biến ở khoảng 35 mục. Đến giữa thời Thanh và trước năm 1958, đất tử sa thường nằm trong khoảng 55 – 60 mục. Nếu mục số quá cao, hạt đất nhỏ, khả năng tạo hình thấp, dễ biến dạng khi chế tác. Ngược lại, mục số quá thấp, hạt đất lớn, dễ bị biến dạng khi nung, giảm tỷ lệ thành phẩm. Mục số cũng ảnh hưởng đến độ thoáng khí và khả năng hút nước.

Hiện nay, đất tử sa luyện thủ công có mục số từ 40 – 60. Đất khoảng 60 mục giúp bề mặt ấm mịn màng nhưng vẫn giữ được độ sần của cát. Nó hỗ trợ quá trình lên men trà, giúp ấm bóng đẹp theo thời gian. Độ hút nước dao động từ 3% – 5%, chứa nhiều khoáng chất như thạch anh, mica, hematit,… giúp ấm bền, chịu được nhiệt độ thay đổi đột ngột. Đất này có độ thoáng khí tốt nhưng không thấm nước, chỉ xảy ra phản ứng vật lý khi pha trà, không gây biến đổi hóa học.

Phần lớn người sử dụng ấm tử sa không quá quan tâm đến quá trình sàng lọc hay luyện đất. Điều họ thực sự quan tâm là liệu mục số cao hay thấp có ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả sử dụng của ấm hay không.

Mục số càng cao, chất liệu càng mịn:

  • Số mục cao → Hạt đất nhỏ → Ấm mịn hơn, không có hạt thô, nhưng khả năng tạo hình thấp, dễ biến dạng khi chế tác.
  • Số mục thấp → Hạt đất lớn → Cảm giác cầm thô ráp hơn, dễ tạo hình, ít biến dạng khi chế tác nhưng có nguy cơ biến dạng khi nung.

Ảnh hưởng đến cảm giác và chất lượng:

Sự khác biệt về mục số sẽ ảnh hưởng đến cảm giác khi cầm và chất lượng của ấm. Việc chọn mục số cao hay thấp phụ thuộc vào sở thích cá nhân. Trong khoảng 30 – 60 mục, độ thấm khí không khác biệt nhiều. Đất mịn hơn (mục số cao) làm giảm độ thấm khí.

Lưu ý: Độ thấm khí không giống với độ thấm nước, không nên nhầm lẫn giữa chúng.

Vậy mục số của đất tử sa có quyết định chất lượng của ấm không? Câu trả lời là không! Mục số chỉ phản ánh độ thoáng khí, cảm giác thẩm mỹ của bề mặt ấm – mịn màng tinh tế hay thô mộc chân phương – chứ không quyết định ấm có tốt hay không. Điều quan trọng nhất vẫn là nguồn đất nguyên khoáng từ Nghi Hưng.

TSTN tổng hợp và dịch