Bộ trà cụ cơ bản gồm những gì? Công dụng của từng dụng cụ
Thưởng trà không chỉ là một thói quen mà còn là một nghệ thuật tinh tế mang đậm nét văn hóa phương Đông. Và trong nghệ thuật ấy, trà cụ đóng vai trò quan trọng, giúp nâng cao trải nghiệm thưởng trà. Vậy một bộ trà cụ gồm những gì? Hãy Tử Sa Trân Ngoạn khám phá những dụng cụ không thể thiếu trong quá trình thưởng trà!
Trà cụ là gì?
Trà cụ thời cổ đại
Trà cụ, trong thời cổ đại còn gọi là “trà khí” hoặc “minh khí”. Tư liệu sớm nhất đề cập đến “trà cụ” xuất hiện trong “Đồng ước” của Vương Bào (thời Tây Hán). Đến thời Đường, thuật ngữ “trà cụ” trở nên phổ biến, xuất hiện nhiều trong thơ Đường, chẳng hạn như:
- Lục Quy Mông trong “Linh Lăng Tổng Ký” viết: “Khách đến không kể bao nhiêu, suốt ngày đều cầm trà khí”.
- Bạch Cư Dị trong “Thụy Hậu Trà Hưng Ức Dương Đồng Châu Thi” có câu: “Bên này đặt giường dây, bên cạnh rửa trà khí”.
- Tác gia Pi Nhật Hưu trong “Sở Gia Lâm Đình Thi” từng viết: “Ánh quế lưa thưa chiếu lên trà cụ” .
Qua các triều đại Tống, Nguyên, Minh, thuật ngữ “trà cụ” tiếp tục được ghi nhận trong nhiều tài liệu lịch sử. Như “Tống Sử – Lễ Chí” có mô tả việc hoàng đế ban thưởng “trà khí” trong các nghi lễ quan trọng.
Xem thêm: Trà khí là gì? Trà khí trong nghệ thuật thưởng trà
Trước đây, trà cụ là thuật ngữ chung cho tất cả công cụ trong quá trình chế biến và thưởng trà. Chúng bao gồm dụng cụ thu hái trà, chế biến, bảo quản trà và pha trà.
Trà cụ hiện đại
Ngày nay, trà cụ chủ yếu phục vụ trực tiếp cho việc thưởng trà. Chúng bao gồm chén trà, ấm trà, chén tống, hũ đựng trà, khay trà,… Những dụng cụ này giúp việc pha trà thuận tiện hơn, đồng thời nâng cao trải nghiệm thưởng thức.

Trà cụ hiện đại được làm từ nhiều chất liệu như gốm, sứ, thủy tinh, kim loại, gỗ và tre. Mỗi chất liệu mang lại một trải nghiệm khác nhau. Việc lựa chọn trà cụ phù thuộc vào sở thích riêng của mỗi cá nhân khiến cho văn hóa thưởng trà trở nên đặc sắc.
Bộ trà cụ cơ bản gồm những gì? Công dụng của từng dụng cụ
Bộ trà cụ cơ bản gồm những gì? Một bộ trà cụ cơ bản sẽ gồm những dụng cụ chi tiết như sau:
1. Ấm trà
Ấm trà là vật dụng quan trọng nhất trong bộ trà cụ. Nó đóng vai trò chính trong việc chiết xuất tinh túy từ lá trà. Tùy vào chất liệu, ấm trà có thể ảnh hưởng đến hương vị và trải nghiệm thưởng trà.
- Ấm tử sa: Được làm từ đất tử sa, loại đất quý hiếm, có khả năng giữ nhiệt tốt và hấp thụ hương trà, giúp hương vị trà trở nên đậm đà hơn. Phù hợp với các loại trà có hương vị mạnh như Phổ Nhĩ, Ô Long, Thiết Quan Âm. Không chỉ là trà cụ, ấm Tử Sa còn có giá trị sưu tầm cao. Những chiếc ấm do nghệ nhân danh tiếng chế tác, càng dùng lâu càng lên màu đẹp, gia tăng giá trị theo thời gian.

- Ấm sứ: Không hấp thụ mùi, giữ nguyên hương vị ban đầu của trà. Rất thích hợp với nhiều loại trà như trà xanh, trà trắng, trà lài.
- Ấm thủy tinh: Cho phép người dùng quan sát màu sắc và độ ngấm của trà trong quá trình pha. Phù hợp với các loại trà xanh và trà hoa thảo mộc.
- Ấm đất nung: Có khả năng giữ nhiệt tốt. Thường được sử dụng trong các nghi thức trà đạo truyền thống.
- Ấm kim loại (đồng, bạc, sắt): Giữ nhiệt tốt, có khả năng làm mềm nước, giúp trà có vị thanh thoát hơn.
2. Chén trà
Mỗi một bộ trà cụ thường sẽ có một chén tống, còn số lượng chén quân tương ứng theo phong tục riêng của từng vùng miền. Ở miền Bắc, một chén tống thường đi kèm với bốn chén quân. Trong khi ở miền Nam, một chén tống thường đi kèm với ba chén quân (nhất tống tam quân). Hiện nay, để đảm bảo sự thuận tiện, người ta thường sử dụng một chén tống và sáu chén quân.
Chén tống:
Chén tống (đọc trại từ chén tướng) có dung tích lớn hơn ấm pha trà, thường được làm từ thủy tinh, gốm hoặc sứ. Chén này dùng để chứa trà rót ra từ ấm sau mỗi lần hãm, giúp dung hòa hương vị trước khi chia vào các chén quân. Ngoài ra, chén tống còn giúp giảm nhiệt độ trà, giúp người thưởng trà cảm nhận hương vị trọn vẹn hơn.

Chén quân:
Chén quân hay còn gọi là chén khách, tùy theo số lượng người, loại trà và gu thẩm mỹ để lựa chọn. Chén quân được chia thành hai loại chính:
- Chén thưởng hương: Đáy sâu, miệng nhỏ, dùng để giữ mùi hương trà lâu hơn, giúp người thưởng trà cảm nhận rõ nét hương thơm trước khi uống.
- Chén thưởng vị: Miệng rộng, đáy nông, giúp trà tiếp xúc nhiều hơn với không khí, từ đó cảm nhận rõ sắc và vị trà.

Ngoài ra, bộ chén trà còn được phân theo mùa, phù hợp với điều kiện thời tiết và cách thưởng trà:
- Xuân ẩm, thu ẩm: Chén có độ dày vừa phải, không quá lớn hay quá nhỏ, thích hợp cho thời tiết giao mùa.
- Hạ ẩm: Chén thành mỏng, giúp trà mau nguội, thích hợp với thời tiết nóng bức.
- Đông ẩm: Chén có lòng sâu, thành dày để giữ nhiệt tốt hơn, giúp người thưởng trà giữ ấm trong mùa lạnh.
3. Khay trà
Khay trà, hay còn gọi là chiếu trà, là dụng cụ dùng để đặt ấm trà, chén trà và các dụng cụ khác trong quá trình pha trà. Khay trà giúp giữ vệ sinh, thu gom nước trà thừa và tạo nên sự gọn gàng, trang nhã cho không gian thưởng trà. Khay trà thường được làm từ các chất liệu như gỗ, tre, gốm sứ, kim loại hoặc bakelite. Thiết kế của khay thường có rãnh thoát nước để thu giữ nước tràn ra từ ấm hoặc chén.

4. Hũ đựng trà
Hũ đựng trà là dụng cụ dùng để bảo quản trà khô, giúp duy trì hương thơm và chất lượng trà trong thời gian dài. Chúng thường được làm từ các chất liệu như sành, sứ, thủy tinh hoặc kim loại. Mỗi loại chất liệu có ưu điểm riêng trong việc bảo quản trà.
- Hũ sành/sứ: Giữ nhiệt ổn định, bảo quản trà tốt và không làm mất hương.
- Hũ thủy tinh: Dễ dàng quan sát lượng trà bên trong nhưng không bảo vệ khỏi ánh sáng tốt. Do đó, cần đặt chúng ở nơi tối để tránh ảnh hưởng đến chất lượng trà.
- Hũ kim loại: Bảo vệ trà khỏi ẩm mốc, thường được sử dụng cho các loại trà khô như Ô Long, Hồng Trà.

Việc lựa chọn hũ đựng trà phù hợp giúp bảo quản trà một cách tốt nhất, giữ nguyên hương vị và chất lượng của trà theo thời gian.
5. Các dụng cụ hỗ trợ khác
Ngoài những trà cụ chính kể trên, nghệ thuật thưởng trà còn có một số dụng cụ hỗ trợ. Chúng giúp nâng cao trải nghiệm và đảm bảo quy trình pha trà diễn ra hoàn hảo.
- Thuyền trà: Dùng để đặt ấm trà. Dụng cụ này giúp thu gom nước trà thừa và giữ cho bàn trà luôn sạch sẽ.
- Kháo trà: Dùng để đựng trà khô trước khi cho vào ấm. Nhờ đó, việc lấy trà trở nên thuận tiện và đảm bảo vệ sinh.
- Dụng cụ gắp trà: Giúp gắp lá trà mà không cần chạm tay trực tiếp. Điều này giúp giữ vệ sinh và không ảnh hưởng đến hương vị trà.
- Lọc trà: Dùng để lọc bã trà khi rót từ ấm sang chén, giúp nước trà trong và mượt hơn.
- Bút/Cọ dưỡng ấm: Thường làm từ lông động vật. Dụng cụ này giúp vệ sinh ấm và chén trà, giữ độ bóng và bảo vệ lớp men ngoài của trà cụ.

Việc sử dụng đầy đủ và đúng cách các trà cụ giúp nâng tầm trải nghiệm thưởng trà. Đồng thời, giúp mang đến sự tinh tế và cảm nhận trọn vẹn về hương vị trà.
6. Ấm đun nước
Ấm đun nước là dụng cụ thiết yếu giúp đun và giữ nhiệt cho nước pha trà. Có nhiều loại Ấm đun nước phổ biến:
- Ấm gốm sứ, thủy tinh: Thường dùng trong các không gian thưởng trà truyền thống.
- Ấm đồng: Giúp khử khuẩn, làm sạch nước và giữ nhiệt tốt.
- Ấm điện (thủy tinh, inox): Tiện lợi hơn, thường có hệ thống lấy nước tự động.
- Ấm inox, nhôm: Nhẹ, dễ sử dụng nhưng không giữ nhiệt tốt bằng ấm đồng hoặc gốm.
- Ấm gang: Giữ nhiệt tốt, tuy nhiên thời gian nấu rất lâu và khá nặng.
- Ấm bạc: Giúp khử khuẩn, làm mềm nước, có giá trị sưu tầm và nghệ thuật cao.

Việc lựa chọn ấm đun nước phù hợp giúp nâng cao chất lượng nước pha trà. Từ đó, nó ảnh hưởng trực tiếp đến hương vị của trà.
7. Khăn lau
Khăn lau là vật dụng không thể thiếu giúp giữ gìn vệ sinh bàn trà và các dụng cụ pha trà:
- Chất liệu: Nên chọn khăn cotton, bông có khả năng thấm hút tốt.
- Sử dụng: Khăn lau bàn trà nên dùng chuyên biệt. Không được dùng để lau các vật dụng khác nhằm tránh ám mùi, ảnh hưởng đến trải nghiệm thưởng trà.
- Bảo quản: Cần giặt khăn lau thường xuyên để đảm bảo vệ sinh.
Tầm quan trọng của trà cụ trong văn hóa thưởng trà
Trà không chỉ là một thức uống, mà còn là một nét văn hóa được truyền lại qua nhiều thế hệ. Trong đó, trà cụ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật thưởng trà.
Tạo nên nghi thức trà đạo:
Sử dụng trà cụ đúng cách thể hiện sự tôn trọng đối với trà và người cùng thưởng trà.
Ảnh hưởng đến chất lượng trà:
Chọn trà cụ phù hợp giúp giữ trọn vẹn hương vị, nhiệt độ và độ tinh khiết của trà.
Thể hiện phong cách cá nhân:
Trà cụ có thể phản ánh sở thích, cá tính và phong cách thưởng trà của từng người.
Tạo không gian thư giãn:
Một bộ trà cụ đẹp, được sắp xếp tinh tế giúp không gian trà đạo trở nên thanh tịnh.
Bộ trà cụ phù hợp không chỉ giúp giữ trọn hương vị tinh tế của trà mà còn thể hiện được phong thái, cá tính của người pha trà. Đặc biệt, trong các nền văn hóa có truyền thống trà đạo như Trung Quốc, Nhật Bản hay Việt Nam, trà cụ còn mang ý nghĩa sâu sắc về sự thanh tao và nhã nhặn. Chính vì vậy, việc lựa chọn và sử dụng trà cụ không chỉ đơn thuần là công cụ hỗ trợ mà còn là một phần quan trọng trong nghệ thuật và văn hóa thưởng trà.

Tùy vào nhu cầu và không gian trà đạo, người thưởng trà sẽ chọn những dụng cụ phù hợp. Họ có thể thêm hoặc tinh giản một số vật dụng. Với những người đam mê sưu tầm, mỗi món đồ trong bộ trà cụ không chỉ mang giá trị sử dụng mà còn có giá trị nghệ thuật, văn hóa và lịch sử. Những chiếc ấm, chén hay khay trà được chế tác tinh xảo bởi nghệ nhân danh tiếng, sử dụng chất liệu quý hiếm hoặc mang dấu ấn thời gian. Chúng có thể trở thành món đồ sưu tầm đắt giá, góp phần làm nên sự độc đáo của không gian trà đạo.
Xem thêm: Một bộ trà cụ gồm những gì? Khám phá bộ dụng cụ pha trà đạo cơ bản
Kết luận
Bộ trà cụ không chỉ là công cụ pha trà mà còn là sự kết tinh của văn hóa và nghệ thuật. Việc lựa chọn trà cụ phù hợp không chỉ nâng tầm trải nghiệm thưởng trà mà còn phản ánh gu thẩm mỹ và phong thái của người dùng. Dù là người mới hay bậc sành trà, am hiểu và trân trọng từng món trà cụ sẽ giúp bạn cảm nhận trọn vẹn tinh thần trà đạo.
By TSTN