/ / / Nước trà có hiện tượng lạ? Đừng vội lo!

Nước trà có hiện tượng lạ? Đừng vội lo!

Khi pha trà, bạn từng thấy chén trà của mình xuất hiện những hiện tượng lạ như bọt nổi, lớp váng mỏng, hay vài sợi lông mao li ti? Nhiều người lo lắng cho chất lượng trà khi gặp những điều này. Thực tế, phần lớn đều là hiện tượng tự nhiên, không ảnh hưởng đến sức khỏe hay chất lượng trà. Hãy cùng Tử Sa Trân Ngoạn tìm hiểu kỹ hơn!

1. Bọt trà

Bọt trà là một hiện tượng khá phổ biến, đặc biệt ở trà xanh. Một số người cho rằng trà có bọt là dấu hiệu phẩm chất kém, nhưng điều này không hoàn toàn đúng. Nguyên nhân chính là do saponin – một hợp chất tự nhiên có trong cây trà. Đây là chất tạo bọt tự nhiên, cũng xuất hiện ở nhân sâm và các loài cây họ đậu, và cả trà. 

Khi bạn rót nước trà từ cao xuống, bạn sẽ thấy bọt xuất hiện trên bề mặt

Ở Nhật Bản, một ly matcha chuẩn thường có lớp foam mịn trên mặt – cũng chính nhờ saponin. Với trà pha truyền thống, nếu lớp bọt nổi đều, bám lâu và không có mùi lạ, đó là dấu hiệu trà sạch, không bị xử lý hóa học. Ngược lại, nếu bọt có màu lạ, tanh hoặc vẩn đục kèm mùi lạ, đó mới là dấu hiệu trà kém chất lượng hoặc bị nhiễm tạp chất.

Ngoài ra, saponin còn có lợi cho sức khỏe. Chất này được nghiên cứu là có khả năng hỗ trợ giảm hấp thu cholesterol, giúp ích cho tim mạch. Một số hãng trà Nhật còn sản xuất riêng các dòng saponincha – trà xanh với hàm lượng saponin cao.

Trà Phổ Nhĩ khi pha nước đầu xuất hiện bọt trà

Xem thêm: Tại sao nước trà pha ra lại có bọt?

2. Váng trà 

Bạn từng thấy lớp màng mỏng như váng dầu phủ trên mặt nước trà, đôi khi xuất hiện khi trà để nguội? Đừng lo, đó là váng trà, do phản ứng giữa polyphenol trong trà và khoáng chất trong nước gây ra.

Váng trà hình thành khi nước pha trà quá “cứng” – chứa nhiều khoáng chất như calcium carbonate. Khi đun sôi và pha trà, nước sẽ tương tác với hoạt chất có trong lá trà, tạo nên lớp màng mỏng như váng. Lớp này có thể rạn ra nếu khuấy nhẹ, không ảnh hưởng đến hương vị hay chất lượng trà.

Váng xuát hiện trên bề mặt nước trà

Tại Anh, nơi trà là thức uống quốc dân, hiện tượng này từng gây tranh cãi đến mức các nhà khoa học Đại học Hoàng Gia Luân Đôn đã phải vào cuộc. Họ kết luận: 85% váng trà là khoáng chất trong nước, không liên quan đến chất lượng trà.

Tuy nhiên, nước cứng có thể làm trà đắng hơn hoặc mang vị kim loại. Để cải thiện, bạn nên dùng nước lọc, nước suối có độ pH trung tính. Các thương hiệu như Aquafina, Evian, Fiji thường có độ kiềm nhẹ, phù hợp để pha trà.

3. Lông mao

Nhiều loại trà thượng hạng, đặc biệt là trà xuân hái búp non, sẽ có lớp lông mao trắng mịn phủ trên bề mặt búp trà. Khi pha, những sợi lông này có thể tách ra, lơ lửng trong nước hoặc bám quanh chén. Đây không phải bụi hay tạp chất, mà là một trong những dấu hiệu nhận biết trà ngon. 

Lông mao trong hồng trà Kim Tuấn Mi

Lông mao tạo cảm giác mềm mịn nơi đầu lưỡi và đóng góp vào hương vị đặc biệt của trà. Nếu nhìn kỹ, bạn sẽ thấy những sợi mao nhỏ lấp lánh như lớp sương mai đọng lại. Với người sành trà, lông mao là một phần “phong cảnh” trong chén trà, mang lại cảm giác mềm mại, thanh tân.

Các loại trà như Bạch Hào Ô Long, Bạch Trà, hay Thái Nguyên búp sớm đều có thể để lại lớp mao này trong chén trà. Chúng là bằng chứng cho thấy trà được hái đúng vụ, từ những búp non nhất.

Bạch trà búp cổ thụ Hà Giang có lớp mao trong nước trà

Xem thêm: Những thực phẩm không nên kết hợp cùng trà

Kết luận: Đừng vội kết luận trà “có vấn đề”!

Bọt nổi, váng trà, kết tủa hay sợi lông li ti trong nước trà đều là hiện tượng tự nhiên, không đồng nghĩa với chất lượng thấp. Hiểu rõ nguyên nhân đằng sau những điều tưởng chừng bất thường ấy sẽ giúp bạn an tâm hơn khi thưởng trà. Lần tới khi bạn thấy một chén trà “lạ”, đừng đổ vội. Biết đâu, trong cái lạ ấy lại ẩn giấu một tầng sâu mới – như chính trà vậy.

By TSTN