Làm sao để tận dụng trà vụn mà không lãng phí?
Trong quá trình thưởng trà, việc xuất hiện trà vụn là điều khó tránh khỏi. Khi tách bánh trà hoặc dùng gần hết túi trà, những mảnh vụn nhỏ thường xuất hiện.
Phần lớn người uống trà hay bỏ đi phần vụn, cho rằng đó là cặn, là thứ không thể dùng. Nhưng thực tế, nếu biết cách, trà vụn vẫn có thể pha ra những ấm trà thơm ngon. Thậm chí, nó còn mang lại trải nghiệm thú vị riêng.
Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách tận dụng trà vụn mà không lãng phí, từ việc hiểu đúng bản chất của trà vụn đến các phương pháp pha hiệu quả ngay tại nhà.
Trà vụn có phải là trà kém chất lượng?
Thực tế, trà vụn không đồng nghĩa với trà kém. Ngoài việc không còn nguyên vẹn về hình dáng, thì nguyên liệu, quy trình chế biến và bảo quản của trà vụn hoàn toàn giống với lá trà nguyên.
Chỉ cần chất lượng trà ban đầu tốt, thì dù là phần còn lại ở cuối túi hay vụn ra khi tách bánh, đều là trà ngon. Trà không trở thành hàng dở chỉ vì ngoại hình. Trong một số trường hợp, sự hiện diện của trà vụn còn cho thấy trà được sấy khô đúng chuẩn. Trà càng khô thì khi vận chuyển, đóng gói, chia nhỏ sẽ càng dễ gãy vụn, đây là điều khó tránh.

Trà vụn khác biệt về hình dạng và cấu trúc so với lá nguyên. Khi pha, các chất trong trà dễ tiết ra nhanh và nhiều, khiến nước trà dễ bị đắng chát nếu không kiểm soát tốt. Ngoài ra, trà vụn không bền nước, thường chỉ cho vị ngon trong 3 – 5 lượt pha đầu. Sau đó, hương vị nhạt dần. Tuy nhiên, nếu hiểu rõ bản chất và kỹ thuật, bạn vẫn có thể tận dụng được tối đa giá trị của trà vụn.
4 cách pha trà vụn đúng cách
1. Giảm lượng trà khi pha
Với trà nguyên, thông thường dùng 5g trà cho 150ml nước (dùng chén tống hoặc ấm tử sa). Nhưng vì trà vụn tiết chất nhanh, nên chỉ cần 2 -3 g là đủ.
Nếu đó là trà tơ non, bạn cũng có thể giảm nhiệt độ nước ở những lượt pha đầu. Như vậy, ngay cả khi lỡ tay cho nhiều trà, thì tốc độ tiết chất vẫn được kiểm soát, không lo nước trà bị quá đậm hoặc đắng.

2. Rót nhẹ, rót nhanh
Nguyên tắc vàng khi pha trà vụn là: rót nước nhẹ tay, ra trà nhanh chóng. Vì các cánh trà đã bị phá vỡ cấu trúc, chúng tiết chất rất nhanh. Khi pha, hãy rót nước từ thấp, chậm và ổn định, rồi ngay lập tức rót trà ra, tránh để ngâm quá lâu khiến trà bị đắng gắt.
Nếu thực hiện đúng, bạn sẽ có được nước trà trong, vị ngọt hậu, không kém phần tinh tế so với trà nguyên.
3. Pha kết hợp với trà nguyên
Một cách tuyệt vời để tận dụng trà vụn là pha cùng trà nguyên. Cách này giúp cân bằng giữa hương vị và độ bền nước.
Bạn nên dùng khoảng 20% trà vụn, 80% trà nguyên, không nên cho quá nhiều trà vụn để tránh nước trà quá đặc. Phương pháp này vừa tận dụng được trà vụn, vừa giữ được trải nghiệm thưởng trà trọn vẹn.
4. Làm trà túi lọc hoặc nấu trà
Trà vụn còn có thể biến thành trà túi lọc tiện dụng. Bạn chỉ cần mua túi lọc chuyên dụng cho khoảng 3g trà vụn vào mỗi túi, buộc lại và cho vào ấm pha là xong.

Bạn có thể đem theo bên mình, mang đi làm hoặc du lịch. Thậm chí, có thể phối thêm hoa cúc, hoa hồng, kỷ tử,… để làm trà phối vị tùy thích.
Ngoài ra, với các loại trà già như Bạch Thọ Mi cũ hoặc trà đen lâu năm, bạn còn có thể nấu trà thay vì pha. Chỉ cần đun với nước ấm một thời gian ngắn, trà sẽ cho ra nước có vị ngọt thanh, hậu vị dịu dàng, kèm theo hương trái cây khô đặc trưng.
Dụng cụ nên dùng khi pha trà vụn
- Ấm có lưới lọc hoặc chén lọc trà: giúp giữ lại cặn vụn, cho nước trà trong trẻo, dễ uống.
- Trà lọc chuyên dụng: nếu trà vụn quá nhỏ, bạn có thể cho trực tiếp vào lọc rồi rót nước qua, tiện lợi và sạch sẽ.
- Túi lọc trà: giải pháp lý tưởng để tận dụng vụn trà làm trà túi mang đi. Có thể dùng cho cả trà nóng lẫn trà ủ lạnh.

Xem thêm:
Kết luận
Mỗi cánh trà đều mang trong mình một hành trình từ núi rừng đến tay người uống. Dù là lá nguyên hay phần vụn nhỏ, đều xứng đáng được trân trọng. Vì thế, đừng vội bỏ đi những phần trà vụn sau khi tách bánh hay sau khi uống gần hết túi trà. Hãy thử áp dụng những mẹo pha ở trên bạn sẽ thấy, ngay cả phần nhỏ bé nhất trong thế giới trà cũng đáng được trân trọng.
“Trong một ấm trà ngon, không có phần nào là thừa cả.”
By TSTN