/ / / Trà xuân – hạ – thu – đông, đâu là trà ngon nhất?

Trà xuân – hạ – thu – đông, đâu là trà ngon nhất?

“Xuân có trăm hoa, thu có trăng. Hạ có gió mát, đông có tuyết”. Mỗi mùa đều có vẻ đẹp riêng, và trà của mỗi mùa cũng vậy. Khi thời tiết và khí hậu thay đổi, trà cũng mang đặc điểm khác nhau. Dựa vào thời điểm thu hái, trà được chia thành trà xuân, trà hạ, trà thu và trà đông. Vậy trà xuân, trà hạ, trà thu, trà đông, đâu là trà ngon nhất? Hãy cùng khám phá!

Trà xuân

Trà xuân được thu hái từ cuối tháng 3 đến trước giữa tháng 5. Lúc này tiết trời bắt đầu ấm lên, cây trà bước vào chu kỳ sinh trưởng sau một mùa đông dài nghỉ ngơi, tích lũy. Nhờ vậy, trà xuân thường có chất lượng cao hơn so với các mùa còn lại.

Vào thời điểm này, khí hậu ôn hòa, mưa thuận gió hòa. Cây trà sinh trưởng chậm nhưng ổn định, tạo ra những búp trà non mập, xanh mướt, mềm mại. Chúng chứa nhiều theanine – hợp chất mang lại vị ngọt dịu, tươi mát và dễ chịu khi thưởng thức. Vì vậy, trà xuân đặc biệt thích hợp để làm trà xanh, vốn đề cao sự thanh khiết và cảm giác sảng khoái tự nhiên.

Trà xuân búp non, tươi, vị dịu ngọt, giàu dinh dưỡng

Các loại trà xanh danh tiếng như Long Tỉnh, Bích Loa Xuân, Mao Tiêm,… đều ưu tiên dùng trà xuân làm nguyên liệu. Trong đó, “trà Minh Tiền” (hái trước tiết Thanh minh) được xem là cao cấp nhất, búp trà non tơ và tinh túy nhất trong năm.

Trà hạ

Trà hạ được thu hái từ đầu tháng 6 đến đầu tháng 7. Dân gian có câu: “Trà đến Lập Hạ, chỉ qua một đêm là thô”, ý nói vào mùa hè, nhiệt độ cao khiến trà mọc rất nhanh, búp trà dễ già, vì thế trà hạ thường thô và già hơn trà xuân.

So với trà xuân, trà hạ có tốc độ mọc mầm và lá nhanh hơn, nhưng hàm lượng dưỡng chất lại thấp hơn. Lượng chất hòa tan trong nước trà cũng giảm, khiến hương trà không đậm.

Ngoài ra, ánh nắng mạnh và nhiệt độ cao vào mùa hè làm tích lũy nhiều polyphenol, anthocyanin và caffeine hơn. Điều này khiến vị trà trở nên đậm, hơi đắng và chát, nhưng đồng thời cũng làm tăng giá trị dinh dưỡng.

Trà hạ tích lũy nhiều polyphenol, anthocyanin và caffeine nên trở nên đậm vị, hơi đắng và chát

Hàm lượng polyphenol cao giúp trà hạ trở thành nguyên liệu lý tưởng để chế biến trà đen. Trong quá trình lên men, polyphenol chuyển hóa thành theaflavin và thearubigin tạo nên hương thơm mạnh và vị đậm đặc trưng. Vì vậy, nhiều thương hiệu trà đen ưa chuộng sử dụng trà hạ. Tuy nhiên, do theanine bị giảm đi nên trà hạ thường ít giữ được vị tươi ngọt như trà xuân.

Trà thu

Trà thu được thu hái từ tiết Lập thu đến Bạch lộ (thường đầu tháng 8 đến giữa tháng 10). Khí hậu mùa thu mát mẻ, khô ráo, nắng nhẹ, ít mưa tương tự mùa xuân. Tuy nhiên, sau hai mùa xuân, hạ đã thu hoạch liên tục, lượng dưỡng chất trong chồi trà giảm đi đáng kể.

Dù không còn tươi non như trà xuân, trà thu lại nổi bật ở hương thơm đậm và sâu. Do sinh trưởng chậm và độ ẩm thấp, các hợp chất tạo hương được giữ lại nhiều hơn. Trà thu có hương thơm cao, thoảng đắng nhẹ và hậu ngọt dịu.

Chất lượng trà thu nằm giữa trà xuân và trà hạ. Vị không quá đậm, nhưng dễ uống và được nhiều người yêu thích. Nhờ sản lượng ổn định và chất lượng cân bằng, trà thu cũng là nguyên liệu lý tưởng cho các dòng trà lên men như: Phổ Nhĩ, bạch trà, hắc trà, ô long,… Nếu chế biến đúng kỹ thuật, trà thu hoàn toàn có thể sánh ngang với trà xuân.

Lượng dưỡng chất trong trà thu giảm đáng kể sau thu hoạch 2 vụ mùa trước

Trà đông

Về thời gian thu hái, trà đông sẽ rơi vào khoảng từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11. Thời điểm này, khí hậu lạnh và khô hanh khiến trà mọc rất chậm, thậm chí ngừng phát triển. Vì vậy, khái niệm trà đông không phổ biến ở nhiều vùng trồng trà.

Sản lượng rất ít nên trà đông trở thành dòng trà hiếm, ít người từng được thưởng thức. Nếu thu hái quá mức, sẽ ảnh hưởng xấu đến năng suất năm sau, thậm chí làm cây trà lão hóa sớm. Do đó, mùa đông chủ yếu tập trung vào việc chăm sóc vườn trà như làm cỏ, cắt tỉa, sửa tán,..

Vì đặc điểm khí hậu và địa hình, nhiều vùng trà không thu hái trà đông. Tuy nhiên, ở Đài Loan, loại Ô long Đông Đỉnh được chế biến vào mùa đông lại rất nổi tiếng. Với hương thơm độc đáo, vị ngọt thanh và nội chất phong phú, nó được nhiều người yêu trà săn đón.

Tại Vân Nam, cây trà cổ thụ thường không được thu hái vào mùa đông

Vậy đâu là mùa trà ngon nhất?

Mỗi mùa cho ra một loại trà với đặc điểm riêng, chọn trà nào là tùy theo khẩu vị và sở thích cá nhân. Tuy nhiên, nếu xét về giá trị dinh dưỡng và hương vị tổng thể, thì trà xuân vẫn được đánh giá là tốt nhất:

  • Thời gian sinh trưởng dài, dưỡng chất tích lũy nhiều.
  • Chứa nhiều vitamin, axit amin, flavonoid, tốt cho sức khỏe.
  • Khí hậu mùa xuân dịu mát, mưa nhiều, thuận lợi cho quá trình tổng hợp hợp chất chứa nitơ và các axit amin tự do.
  • Lượng polyphenol thấp hơn trà hạ vị trà tươi mát, thơm ngát, không quá đắng chát.
Vậy đâu là mùa trà ngon nhất?

Tóm lại:

  • Trà xuân: tươi ngon, thơm nồng, giá trị dinh dưỡng cao, phù hợp với người yêu trà thanh khiết.
  • Trà hạ: Đậm vị, hơi chát, thích hợp cho người ưa trà mạnh và làm nguyên liệu trà đen.
  • Trà thu: Thơm dịu, cân bằng giữa đắng và ngọt. Lý tưởng cho người thích hương trà sâu, hậu vị rõ.
  • Trà đông: Thanh ngọt, nhẹ nhàng. Sản lượng ít, hương “lạnh” tinh tế.

Vì thế, trà ngon nhất không nằm ở mùa nào, mà là loại trà hợp với bạn nhất.

Kết luận

Mỗi mùa cho ra một loại trà với hương vị và đặc điểm riêng, không có mùa nào là “ngon nhất” một cách tuyệt đối. Nếu trà xuân thanh mát, giàu dinh dưỡng thì trà hạ lại đậm đà, trà thu thơm sâu, còn trà đông dịu nhẹ, tinh tế. Chọn loại trà nào là tùy vào gu thưởng trà của mỗi người. Bởi suy cho cùng, trà ngon nhất chính là loại trà hợp với bạn nhất.

TSTN