/ / / Chơi Tử Sa

Chơi Tử Sa

1. Sơ lược về Tử Sa

Nguồn gốc

 “Tử sa” là một từ dùng chung để nói về một loại đất chỉ có duy nhất tại Đinh Thục Trấn, huyện Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô của Trung Quốc. Cho đến thời điểm hiện tại người ta vẫn chưa tìm được nơi nào khác có nguồn đất có thành phần hoá học giống như đất Tử sa tại Đinh Thục Trấn.

Phân loại

Đất Tử sa hiện tại được phân thành 4 nhóm chính: Tử nê, Hồng nê, Lục nê, Đoạn nê.

  • Nhóm Tử nê bao gồm các loại đất có màu sắc sau khi nung là nâu, tím hoặc tương tự. Các loại đất được chia cụ thể hơn là: Tử nê, Thiên thanh nê, Đế tào thanh, Thanh thủy nê,…
  • Nhóm Hồng nê bao gồm các loại đất có màu đỏ, nâu đỏ hoặc gần giống vậy sau khi nung. Các loại đất trong nhóm này có thể kể đến như Hồng nê, Chu nê, Đại hồng bào, Hồng bì long,… 
  • Nhóm Lục nê gồm các loại đất có màu xanh xám nhạt khi chưa nung. Và chuyển sang màu vàng hoặc hơi vàng xanh sau khi nung.
  • Nhóm Đoạn nê là loại đất hỗn hợp của các loại đất trên. Khi khai thác tự nhiên, có những vị trí đất không thể tách và phân loại rõ ràng. Nguyên nhân là do các viên đất quá nhỏ, không thể xử lý riêng biệt. Người ta thường để chung và nghiền nhỏ các loại đất này. Sau khi nghiền, đất này được gọi là Đoạn nê. Khi nung, Đoạn Nê có nhiều màu sắc khác nhau như vàng, xám, nâu, đỏ,… và mang nhiều tên gọi riêng biệt.

Đặc tính

Đất Tử sa được khai thác từ lòng đất. Sau khi lấy về, đất sẽ được phân loại, nghiền nhuyễn và sàng lọc. Tiếp đến sẽ trộn với nước, ủ trong lu ít nhất một năm để lắng lọc và phân hủy các thành phần hữu cơ. Sau quá trình này, đất sẽ được đóng thành khối và lưu trữ.

Một trong những đặc tính nổi bật của đất Tử sa là khi trộn với nước, nó trở nên mềm dẻo nhưng khô. Do đó, không thể dùng bàn xoay để tạo hình. Nghệ nhân phải dùng kỹ thuật ghép nối tỉ mỉ để tạo ra các tác phẩm. Nhờ vào đặc tính này, đất Tử sa không có giới hạn trong sáng tạo nghệ thuật. Việc tạo hình hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng sáng tạo của người nghệ nhân.

Điều đặc biệt ở đất Tử sa là nó có thể tự cấu thành sản phẩm sau khi nung ở nhiệt độ từ 1200 đến 1300 độ C. Quá trình này không cần pha trộn thêm cao lanh hay khoáng chất khác. Sau khi nung, bề mặt đất Tử sa trở nên láng mịn. Tuy nhiên, dưới kính phóng đại, ta có thể thấy nhiều khe rãnh nhỏ, đó chính là khí khổng. Chính nhờ sự hình thành khí khổng này, mà đất Tử sa có độ cứng chắc, bề mặt mịn màng. Nhưng đất vẫn giữ được tính xốp và thông thoáng.

Ứng dụng

Với khả năng tạo hình đa dạng và tính chất sau khi nung xong hết sức độc đáo, đất Tử sa được ứng dụng nhiều lĩnh vực trong đời sống. Nhất là các lĩnh vực liên quan đến nghệ thuật. Các sản phẩm được làm từ Tử sa bao gồm ấm trà, ly uống nước, chậu cây, tượng, phù điêu, lu,…

Tử sa và trà

Ngoài khả năng tạo hình nghệ thuật độc đáo không giới hạn, đa dạng màu sắc, độ quý hiếm của nguồn nguyên liệu thì các ấm trà được làm bằng đất Tử sa luôn pha ra nước trà ngon hơn hẳn các loại ấm khác. Điều này đã được tất cả các người uống trà từ sành sỏi đến nghiệp dư phải công nhận. 

Trà và Tử sa là một sự kết hợp hoàn hảo. Trà đưa Tử sa lên thành nghệ thuật đỉnh cao, trong khi Tử sa giúp phát huy hết tinh túy của Trà.

Cổng vào núi Hoàng Long Sơn
Cổng vào núi Hoàng Long Sơn tại Đinh Thục Trấn

2. Các kỹ thuật làm ấm

1. Làm thuần thủ công

Quá trình làm ấm tử sa thuần thủ công đòi hỏi người nghệ nhân sử dụng hoàn toàn đôi bàn tay. Và họ sẽ sử dụng một số dụng cụ đơn giản để tạo hình và sáng tạo ra từng chiếc ấm độc đáo. Mỗi chiếc ấm là kết quả của sự khéo léo và tỉ mỉ trong từng bước thực hiện.

Lý Hàng Dũng đang làm ấm thuần thủ công
Lão sư Lý Hàn Dũng làm ấm thuần thủ công

2. Trợ khuôn

Trong các công đoạn làm ấm tử sa, việc tạo hình thân ấm là công đoạn phức tạp nhất. Để giảm bớt sự khó khăn này, người thợ thường sử dụng khuôn thạch cao để hỗ trợ tạo hình thân ấm. Ngoài ra, các khuôn khác cũng được sử dụng để tạo ra nắp, vòi và quai ấm, đảm bảo tỷ lệ các bộ phận tương thích. Quá trình sử dụng khuôn để rút ngắn thời gian này được gọi là “làm ấm trợ khuôn” hoặc “làm ấm bán thủ công”.

Làm ấm trợ khuôn
Làm ấm trợ khuôn

3. Máy cơ khí

Dù sử dụng khuôn thạch cao giúp tiết kiệm thời gian, nhưng vẫn còn tốn sức người. Để tăng hiệu quả và năng suất sản xuất, người ta sử dụng máy cơ khí. Việc dùng máy móc giúp giảm thiểu sức lao động và tăng cường năng suất sản xuất, đáp ứng nhu cầu sản phẩm lớn hơn.

Làm ấm bằng máy
Làm ấm bằng máy

4. Bàn xoay

Bàn xoay cũng là một kỹ thuật làm ấm, đặc biệt đối với những chiếc ấm có thân tròn. Tuy nhiên, bàn xoay chủ yếu được sử dụng cho các chất liệu không phải là tử sa, như đất sét hoặc cao lanh. Sau khi nung, sản phẩm làm từ đất sét hoặc đất sét trộn cao lanh sẽ có vẻ ngoài giống Tử Sa. Tuy nhiên, thực chất chúng không phải là đất Tử Sa. Nếu một chiếc ấm được làm bằng bàn xoay, chắc chắn đó không phải là ấm Tử Sa.

Làm ấm bằng bàn xoay
Làm ấm bằng bàn xoay

5. Rót khuôn

Để làm được ấm trà số lượng lớn và giống nhau hoàn toàn, người ta sử dụng phương pháp rót khuôn trong sản xuất công nghiệp. Cách làm này bao gồm việc pha trộn bùn với các thành phần khác để tạo thành hỗn hợp lỏng. Tiếp đến là rót vào khuôn thạch cao để tạo hình một chiếc ấm hoàn chỉnh. Sau khi lấy ra từ khuôn, chiếc ấm sẽ được nung. Tuy nhiên, ấm làm bằng phương pháp rót khuôn không phải là sản phẩm từ đất tử sa.

Ấm rót khuôn
Ấm rót khuôn

3. Các hướng chơi ấm hiện tại

Ấm cổ, ấm cũ

Đại diện các nghệ nhân: Thời Đại Bân, Cung Xuân, Trần Minh Viễn.

Tử sa là loại khoáng sản đặc biệt hình thành từ hàng triệu năm trước trong lòng đất. Tuy nhiên, việc sử dụng tử sa để chế tác ấm trà chỉ bắt đầu từ khoảng năm 1533. Chiếc ấm Tử sa cổ nhất hiện nay, cũng ra đời vào thời điểm này và đang được lưu giữ tại bảo tàng Nam Kinh.

Từ đó đến nay, ấm tử sa đã đã trải qua nhiều thời kỳ thăng trầm. Nhưng cột mốc quan trọng đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ là năm 1997. Vào thời điểm này, các xưởng làm tử sa hoạt động theo mô hình hợp tác xã chính thức ngừng hoạt động. 

  • Ấm cổ (1533 – 1912): Được xem là báu vật vì độ quý hiếm, nhưng dễ bị làm giả. Người sưu tầm thiếu kinh nghiệm rất dễ bị lừa mua phải hàng nhái.
  • Ấm cũ (1912 – 1997): Được sản xuất với kỹ thuật không quá tinh xảo, những chiếc ấm này thường không có vẻ đẹp nổi bật. Do đó, không thu hút nhiều người sưu tầm. Tuy nhiên, vẫn có một số ít người tìm kiếm ấm cũ. Chủ yếu vì chất liệu đất tốt hoặc nhờ vào một số mẫu ấm đẹp hiếm hoi. Giai đoạn này chia thành hai thời kỳ.
2 ấm cổ của Thời Đại Bân
2 ấm cổ của Thời Đại Bân

Ấm nghệ nhân 12 cấp

Đại diện các đại sư: Cố Cảnh Chu, Tưởng Dung, Bào Chí Cường, Hà Đạo Hồng,…

“Ấm nghệ nhân 12 cấp” được đặt tên dựa trên hệ thống xếp hạng mà các nghệ nhân phải tham gia thi mỗi 4 năm một lần để nâng bậc. Đây là các cuộc thi do nhà nước Trung Quốc tổ chức và cấp chứng chỉ, với 12 cấp độ từ thấp đến cao nhất. 

Phần lớn các nghệ nhân này làm ấm phục vụ chính cho thị trường và nhu cầu uống trà của đại đa số người dân uống trà. Chính vì phục vụ cho đại chúng, nên sản phẩm cần cạnh tranh về giá cả, đa dạng mẫu mã và sản xuất với số lượng lớn. Điều này dẫn đến việc nhiều ấm được chế tác bằng phương pháp trợ khuôn.

Thậm chí, một số nghệ nhân cấp thấp sử dụng đất tử sa kém chất lượng. Hoặc thay thế bằng vật liệu khác để làm ra các sản phẩm giá rẻ, phù hợp với thị trường tiêu dùng đại trà.

Ấm nghệ nhân dân gian

Đại diện các nghệ nhân: Từ Kim Căn, Cao Kiến Hoa, Hứa Á Quân,…

Có một số ít người làm ấm tử sa lớn tuổi ở Nghi Hưng luôn làm theo kiểu truyền thống, thường làm thuần thủ công. Họ không cần kiếm nhiều tiền hay quan tâm việc thi cử, họ chỉ cần bán ấm để phục nhu cầu cuộc sống.

Các tác phẩm của họ được làm hoàn toàn thủ công từ đất tử sa, với sự đều đặn và bền bỉ qua những mẫu dáng quen thuộc. Ấm của họ ngoài việc uống trà ngon thì cũng đáng sưu tầm, vì nó thể hiện được nét đẹp truyền thống của tử sa.

Ấm thực lực phái

Đại diện các lão sư: Đường Bân Kiệt (đã mất), Lý Hàn Dũng, Châu Hồng Bân, Ngô Giới Minh, Cao Húc Phong, Ngô Đông Nguyên, Trương Dần, Châu Vũ Kiệt, Chu Cần Dũng,…

Tại Đinh Thục Trấn, một nhóm nghệ nhân xuất sắc đã dành trọn tâm huyết cho nghệ thuật tử sa. Họ không chỉ thông thạo kỹ thuật mà còn am hiểu sâu sắc về giá trị văn hóa và lịch sử của loại đất đặc biệt này. Với tâm niệm gìn giữ truyền thống, những nghệ nhân này không ngừng sáng tạo, tạo ra những dáng ấm độc đáo. Mỗi dáng ấm chỉ xuất hiện một lần và không bao giờ được lặp lại.

Dựa trên kỹ thuật truyền thống thuần thủ công, họ chế tác từng chiếc ấm với sự tỉ mỉ và tinh xảo vượt bậc, mang đến vẻ đẹp vượt thời gian. Với họ, ấm tử sa không chỉ là một công cụ pha trà mà còn là một tác phẩm nghệ thuật thực thụ.

Bên cạnh việc sáng tạo, họ còn nỗ lực phục dựng và bảo tồn giá trị truyền thống của tử sa. Đồng thời, đào tạo thế hệ kế thừa với lòng đam mê và sự chân chính trong nghề. Với họ. việc đi thi hay chứng chỉ không quan trọng, mà cái quan trọng là giá trị tác phẩm trường tồn theo thời gian. 

Mỗi tác phẩm làm ra họ điều phải đáp ứng 3 tiêu chí: thuần thủ công, không làm lại dáng ấm cũ đã làm và số lượng giới hạn.

Ấm Minh Lư của Lão sư thực lực phái Ngô Giới Minh
Ấm Minh Lư của Lão sư thực lực phái Ngô Giới Minh

4. Điều gì làm nên giá trị một chiếc ấm?

  • Đất: Đất là nguyên liệu cần thiết để làm nên một chiếc ấm tử sa. Dù ngày nay, việc khai thác đất tử sa đã bị hạn chế, nhưng đất tử sa chất lượng vẫn không khó tìm.  Đất chỉ chiếm khoảng 10 – 30% giá trị của một chiếc ấm thông thường.
  • Kỹ thuật, độ khó: Kỹ thuật chế tác ảnh hưởng lớn đến giá trị của một chiếc ấm. Những chiếc ấm được làm cẩn thận, tỉ mỉ luôn được người sưu tầm ưu tiên chọn trước. Yếu tố này quyết định khoảng 20 – 30% giá trị của chiếc ấm.
  • Nghệ thuật, ý tưởng: Dù không thể đo lường, nghệ thuật và ý tưởng là yếu tố cốt lõi để người sưu tầm quyết định sở hữu một chiếc ấm. Giá trị nghệ thuật quyết định khoảng 30 – 40% tổng giá trị.
  • Nghệ nhân: Nghệ nhân chính là người mang lại linh hồn cho tác phẩm. Tác phẩm có tồn tại vững bền về sau hay không phần lớn nhờ vào thanh danh của nghệ nhân. Yếu tố này quyết định khoảng 0 – 60% giá trị của tác phẩm theo thời gian. Điều này phụ thuộc vào danh tiếng của nghệ nhân và sự công nhận qua năm tháng.
  • Độ hiếm: Giá trị về độ hiếm sẽ phụ thuộc vào các yếu tố trên. Nếu chiếc ấm sở hữu nhiều giá trị nổi bật thì độ hiếm sẽ tăng theo. Ngược lại các yếu tố ở trên không đạt được giá trị nhất định, dù chỉ có duy nhất 1 chiếc cũng không được xem là hiếm. Yếu tố này quyết định 0 – 40% giá trị.
Bộ ấm Tùng Thử Bồ Đào của Cố Cảnh Chu trị giá 89.600.000 RMB (khoản 322 tỷ đồng)
Bộ ấm Tùng Thử Bồ Đào của Cố Cảnh Chu trị giá 89.600.000 RMB (khoản 322 tỷ đồng)

5. Lời khuyên chọn ấm

Để uống trà đơn thuần, bạn nên chọn một chiếc ấm làm từ đất tử sa chuẩn Nghi Hưng. Nếu muốn tiết kiệm, có thể chọn ấm trợ khuôn, vừa đảm bảo chất lượng, vừa phù hợp ngân sách.

Để nâng cao hương vị trà, hãy tìm ấm thuần thủ công chuẩn đất tử sa Nghi Hưng. Những chiếc ấm này không chỉ nâng cao hương vị mà còn mang giá trị truyền thống.

Để sưu tầm và thưởng thức, chọn ấm thuần thủ công, có độ tinh xảo cao và giá trị quý hiếm. Những tác phẩm này vừa giúp trà ngon hơn, vừa là niềm tự hào cho người sưu tầm.

Tóm lại, hãy trang bị đầy đủ kiến thức để tránh sai lầm và luôn vững vàng với phong cách chơi ấm phù hợp với mình. Mọi cách chơi đều đáng trân trọng. Miễn là bạn thực sự yêu thích và tận hưởng giá trị của từng chiếc ấm.

By TSTN

Giới thiệu một số ấm tử sa đẹp tại TỬ SA TRÂN NGOẠN