Các loại lò từng dùng để nung Ấm tử sa
Nghệ thuật nung ấm Tử sa là một phần quan trọng trong truyền thống gốm sứ của Nghi Hưng. Quá trình nung không chỉ định hình chất lượng sản phẩm mà còn ảnh hưởng đến màu sắc và tính chất ấm. Qua các thời kỳ, nhiều lò nung được sử dụng để nung ấm tử sa, từ lò củi, than, đến lò gaz và lò điện hiện đại.
1. Lò Rồng (nung bằng củi)
Lò Rồng là một đường hầm dài uốn lượn theo sườn đồi. Lò được xây dựng bằng gạch theo kiểu dốc, từ đầu lò đến cuối lò đi lên dọc theo sườn đồi. Vì hình dáng của lò giống như con rồng mà người xưa gọi là lò Rồng. Chiều dài của lò thường từ 30 – 70m, đỉnh cao khoảng 12m, góc nghiêng từ 8°- 20°. Cấu trúc được chia thành nhiều buồng kín với mái vòm, cửa đưa củi, đáy lò, hầm đốt nóng trước, các lỗ khói và cửa lò.
Ưu điểm và nhược điểm
- Ưu điểm:
- Kết cấu đơn giản, vật liệu dễ tìm, giá thành rẻ.
- Xây dựng dễ dàng, sản xuất nhanh. Không có khu vực đốt cố định, điểm đốt di chuyển từ trên xuống dưới dọc theo lò.
- Tận dụng nhiên liệu củi để tạo nhiệt độ cao khoảng 1200°C. Sản xuất được số lượng lớn ấm tử sa mỗi lần nung khoảng 26.000 chiếc.
- Nhược điểm:
- Chu kỳ nung dài khoảng 4 ngày.
- Tiêu tốn nhiều gỗ, gây ảnh hưởng đến môi trường.
- Cần nhiều công sức và sự phối hợp vận hành của nhiều người.
Lò Rồng được xem là biểu tượng truyền thống trong ngành nung gốm tử sa. Nhưng hiện nay ít được sử dụng do chi phí và công sức quá lớn.
2. Lò Đảo – Lò nung hạ cấp (nung bằng than)
Lò đảo có 2 loại là lò vuông và lò tròn. Khác biệt tương đối lớn giữa 2 loại là sự phân bố nhiệt, lò tròn có sự phân bố nhiệt tương đối đồng đều hơn. Các lò đảo thường dùng than để làm nhiên liệu. Khi than cháy thì ngọn lửa phát ra từ đỉnh lò. Sau đó, lửa được hút từ đỉnh lò xuống đáy lò, rồi vào đường ống để dẫn ra ống thoát khói của lò.
Ưu điểm và nhược điểm
- Ưu điểm:
- Cấu trúc của lò đảo rất đơn giản nên chi phí kiểm soát vận hành thấp.
- Dễ dàng thay đổi không khí đốt cháy theo yêu cầu của sản phẩm.
- Nhược điểm:
- Việc vận hành đóng lò, đốt lò, ra lò đều được thực hiện bằng sức người, cường độ lao động lớn.
- Tỷ lệ sản phẩm nung ra lò bị hỏng cao.
- Than kém chất lượng hoặc không đồng đều có thể ảnh hưởng lớn đến nhiệt độ trong lò, dẫn đến khó kiểm soát và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
- Nhiệt độ không ổn định trong quá trình nung có thể làm sản phẩm bị khác biệt về màu sắc, làm giảm tính đồng nhất.
3. Lò đường hầm (nung bằng gaz)
Lò hầm là loại lò vận hành liên tục. Các quy trình vận hành đưa sản phẩm vào, đốt lò, đóng và lấy sản phẩm ra được thực hiện không ngừng nghỉ. Nhờ đó, lò tiết kiệm đáng kể chi phí khởi động và có thể hoạt động ổn định suốt 365 ngày trong năm.
Lò nung đường hầm được chia thành ba loại chính: lò thẳng, lò hình tròn và lò hình chữ U. Trong đó, lò nung đường hầm thẳng thường được sử dụng để nung các sản phẩm tử sa, đặc biệt là ấm tử sa. Quá trình nung bằng lò này đảm bảo sản phẩm có màu sắc và chất lượng đồng đều, giảm thiểu lỗi phát sinh.
- Ưu điểm nổi bật của lò nung đường hầm bao gồm:
- Chu kỳ sản xuất ngắn.
- Năng suất và hiệu suất nhiệt cao, phù hợp với sản xuất hàng loạt.
- Lò dễ dàng tích hợp cơ giới hóa và tự động hóa, giúp tiết kiệm nhiên liệu
- Giảm đáng kể cường độ lao động của công nhân.
Năm 1965, Nghi Hưng đã xây dựng lò nung đường hầm đầu tiên, dần thay thế các loại lò truyền thống sử dụng củi và than. Đối với lò nung đường hầm thẳng, sản phẩm cần nung được đặt trong các hộp gốm chịu nhiệt. Sau đó, các hộp này được đặt lên đường ray dẫn dọc theo lò. Các hộp này sẽ được hệ thống tự động đẩy từ từ qua các vùng nhiệt, đảm bảo nhiệt độ nung ổn định. Sau thời gian cố định, sản phẩm được đẩy ra đầu kia của lò, hoàn tất quá trình nung khi nhiệt độ đã được hạ xuống.
4. Lò điện
Lò điện mới xuất hiện đầu thế kỷ 21, đây là lò nung sử dụng năng lượng điện làm nguồn nhiệt. Với khả năng đo và kiểm soát nhiệt độ tự động hoặc bán tự động, lò điện mang lại sự chính xác cao. Cùng với hệ thống lập trình thông minh trên máy tính, lò điện cho phép điều chỉnh chính xác cả nhiệt độ lẫn thời gian nung, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất.
Ưu điểm và nhược điểm
- Ưu điểm:
- Dễ trang bị đầu tư, có không gian diện tích nhỏ, sử dụng thuận tiện.
- Ít bị ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài.
- Tăng nhiệt nhanh và phân bố nhiệt đồng đều.
- Tỷ lệ thành phẩm cao, màu sắc cực kỳ tinh khiết.
- Đáp ứng được yêu cầu nung nhanh sản phẩm tử sa.
- Nhược điểm:
- Lò nung bị oxy hoá hoàn toàn (khi nung phải đóng kín nắp lò). Nên lượng không khí trong lò bị giới hạn, có sự ảnh hưởng nhất định đến màu sắc của sản phẩm.
- Sản phẩm từ lò điện thường thiếu chút sắc thái đặc trưng của tử sa truyền thống nung bằng lò gaz.
Hiện nay, tại Nghi Hưng, quá trình nung ấm tử sa chủ yếu sử dụng hai loại lò hiện đại là lò đường hầm (gaz) và lò điện. Mỗi loại lò nung đều có ưu và nhược điểm riêng. Tùy theo từng tác phẩm từng ý đồ riêng của nghệ nhân mà họ sẽ chọn nung bằng lò nào cho phù hợp.
Xem thêm: Ấm tử sa thường được nung mấy lần?
Trong lịch sử ấm tử sa, mỗi loại lò như lò Rồng, lò đảo, lò đường hầm và lò điện đều đánh dấu một giai đoạn quan trọng. Sự tiến bộ trong công nghệ không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn mở ra những hướng đi mới trong việc sáng tạo và bảo tồn giá trị truyền thống của ấm tử sa Nghi Hưng.
By TSTN