Trà Phổ Nhĩ Băng Đảo Kim được làm như thế nào?
Giữa núi non trùng điệp phía Tây Nam Vân Nam, có một ngôi làng mang tên Băng Đảo, vùng đất được xem là “thánh địa” của trà Phổ Nhĩ. Từ những cây chè cổ thụ trăm năm tuổi, người dân nơi đây vẫn gìn giữ những bí quyết làm trà truyền thống, tạo nên một trong những dòng trà được giới thưởng trà săn đón bậc nhất: Phổ Nhĩ Băng Đảo. Vậy quá trình chế biến nên loại trà này có điều gì đặc biệt?
Tìm hiểu về quy trình chế biến trà Phổ Nhĩ Băng Đảo Kim
Nguyên liệu được tuyển chọn kỹ lưỡng
Phổ Nhĩ Băng Đảo được chế biến từ những búp non của giống trà lá nhỏ, mọc trên các gốc chè cổ thụ tại làng Băng Đảo. Những búp trà quý giá này chỉ được hái vào đúng thời điểm, thường vào buổi sáng sớm, sau khi mặt trời đã lên khoảng nửa giờ. Khi ấy, lá trà đủ khô thoáng để thuận lợi cho các công đoạn làm héo và diệt men. Đặc điểm nổi bật là hậu vị ngọt kéo dài, vị ngọt đậm và tinh tế hơn so với nhiều loại trà khác.

Thu hái trà Phổ Nhĩ Băng Đảo
Từ 6 đến 7 giờ sáng, ở Băng Đảo, người nông dân đã bắt đầu một ngày mới bằng việc thu hái trà. Thời gian tốt nhất để hái lá trà tươi là khoảng nửa tiếng sau khi mặt trời mọc, để tránh lá có hàm lượng nước quá cao, gây bất lợi cho quá trình làm héo và diệt men. Việc hái trà thường kết thúc vào khoảng 10 đến 12 giờ trưa.
Mỗi năm, trà được thu hoạch ba vụ: xuân, hạ và thu, có thể chia thành trà mùa khô và trà mùa mưa. Trong đó:
- Trà xuân mùa khô (cuối tháng 2 đến giữa tháng 5) là quý giá nhất.
- Trà mùa mưa (cuối tháng 5 đến cuối tháng 9).
- Trà thu (cuối tháng 9 đến cuối tháng 11).

Đặc biệt, trà xuân mùa khô chưa bị ảnh hưởng bởi mưa nên khí trà mạnh, được xem là nguyên liệu lý tưởng cho trà Phổ Nhĩ sống.
Chế biến trà Phổ Nhĩ Băng Đảo
Ngay sau khi hái, trà tươi cần được đưa vào chế biến ngay. Nếu để lâu trong sọt tre hay bao tải nilon, lá sẽ dễ bị ẩm, mốc hoặc hỏng, ảnh hưởng chất lượng. Quy trình chế biến trà Phổ Nhĩ Băng Đảo chủ yếu gồm: diệt men, vò và phơi nắng. Trà thành phẩm sau quá trình này được gọi là trà sống rời (sinh tán trà).
Từ đây, có thể:
- Ép bánh → trà Phổ Nhĩ sống
- Lên men nhân tạo → trà chín rời → ép bánh → trà Phổ Nhĩ chín.
Quy trình chế biến trà Phổ Nhĩ Băng Đảo
Quá trình chế biến Phổ Nhĩ Băng Đảo chủ yếu gồm ba công đoạn: diệt men, vò trà, phơi nắng.
1. Diệt men
Công đoạn này giúp giảm lượng nước trong lá trà, làm mềm lá, đồng thời hạ nhiệt độ diệt men. Trà mùa khô thường được làm héo tự nhiên trong bóng râm, còn mùa mưa sẽ dùng gió nóng để làm héo. Diệt men được thực hiện bằng cách sao chảo hoặc sử dụng máy quay trống. Nhiệt độ không vượt quá 180°C, kéo dài khoảng 6 phút, tùy theo lượng trà, độ non và độ ẩm của lá mà điều chỉnh.

Trà sau diệt men sẽ chuyển từ màu xanh tươi sang xanh đậm hoặc xanh đen. Sau đó, trà được trải ra để nguội, chuẩn bị bước tiếp theo là vò. Mục tiêu của diệt men trong trà xanh là chặn đứng quá trình oxy hóa, còn với trà Phổ Nhĩ là chỉ làm chậm quá trình lên men tự nhiên.
2. Vò trà
Vò là bước “đánh thức” linh hồn trong từng chiếc lá. Phương pháp truyền thống là dùng tay để vò, thao tác vừa đủ lực để không làm rách lá nhưng vẫn ép được tinh chất. Tùy độ già non của lá, người thợ sẽ chia làm vò sơ và vò lại, đặc biệt chú trọng phần cành.
Ngày nay, nhiều nơi sử dụng máy vò đĩa để đáp ứng nhu cầu sản lượng lớn, sau đó dùng tay để chỉnh sửa hoặc chọn lọc thêm. Tuy nhiên, máy vò đĩa thường làm trà bị vón cục nên cần dùng máy gỡ rối. Trong khi đó, phương pháp thủ công truyền thống thường không xảy ra hiện tượng này.

3. Làm khô trà (trà mao)
Sau khi vò, trà được đem phơi nắng trực tiếp trên nong tre hoặc sân xi măng. Trong quá trình phơi, trà được đảo từ 2 – 3 lần, nhiệt độ phơi thường không vượt quá 40°C. Nếu làm khô không kỹ, trà sẽ bị lên men quá mức hoặc mốc.


Trà mao khô có màu xanh đen hoặc xanh đậm, nếu lá mỏng thì hơi ngả vàng lục. Đây là trà mao phơi nắng, thường được phân loại theo tỷ lệ búp tơ, lá non, hoặc kích thước lá.
Đến giai đoạn này, quá trình chế biến trà sống đã hoàn tất. Nếu muốn làm trà Phổ Nhĩ sống chỉ cần đem trà mao đi ép thành bánh. Nếu muốn làm trà Phổ Nhĩ chín, thì tiếp tục đưa trà mao qua quá trình lên men nhanh bằng nhân công (ủ ẩm, đảo đều), tạo thành trà chín rời, rồi đem ép bánh thành trà Phổ Nhĩ chín như ta thường biết.

Mỗi bánh trà Băng Đảo là kết tinh của thiên nhiên và tâm huyết con người. Từ búp non đến tách trà thơm, mọi công đoạn đều chứa đựng sự tỉ mỉ và trân quý. Thưởng trà, là để chạm đến sự tĩnh tại trong lòng mình. Và Phổ Nhĩ Băng Đảo chính là chiếc cầu nối giữa đất trời và tâm thức.
By TSTN