Bạn đã chọn đúng ấm chưa?
Nhiều người cho rằng, chỉ cần sở hữu một chiếc ấm tử sa chất lượng là có thể pha trà ngon Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Mỗi dáng ấm lại phù hợp với từng loại trà khác nhau. Ấm tử sa có đủ hình dáng: tròn, vuông, dẹt,… Vậy các dáng ấm này ảnh hưởng đến việc pha trà ra sao?
1. Ấm tròn
Ấm tròn là dáng phổ biến nhất, cũng là lựa chọn phù hợp với người mới bắt đầu. Những dáng ấm kinh điển như Tây Thi, Tần Quyền, Xuyết Chỉ đều thuộc nhóm này.
- Ấm thân cao, miệng nhỏ: Phù hợp với các loại trà lên men như Phổ Nhĩ, Hồng trà. Tuy nhiên, nếu thân ấm quá cao, trà dễ mất hương. Những loại trà này thường cần nhiệt độ cao để hãm, và dáng ấm này giúp làm dậy hương, cho vị trà thêm đậm đà, ngọt hậu.
- Ấm thân thấp, miệng rộng: Thích hợp với các loại trà ít hoặc không lên men như Lục trà, Long Tỉnh, Bích Loa Xuân, Thiết Quan Âm. Ở nhiệt độ khoảng 85°C, hương trà thanh khiết sẽ được bộc lộ trọn vẹn. Dáng này cũng tránh được tình trạng “nấu chín” do hơi nước khi dùng ấm sâu.
Dáng tròn còn rất phù hợp với trà viên như Ô Long. Khi nước xoáy nhẹ bên trong, hương trà được hòa quyện đều. Lá trà bung nở hoàn toàn, giải phóng tối đa tinh chất.
Xem thêm: Hướng dẫn một số công thức pha trà bằng ấm tử sa
2. Ấm dẹt
Ấm dáng dẹt (thân thấp, miệng rộng) thường được các trà nhân sử dụng để pha trà dạng sợi như các loại nham trà hay Đơn Tùng.
Ưu điểm của ấm dẹt là:
- Thiết kế thân ấm rộng và thấp giúp lá trà sợi nằm gọn và tỏa đều. Lá không bị bó cụm hay nổi lềnh bềnh như trong ấm cao. Khi rót nước, dòng chảy êm dịu giúp lá trà từ từ bung ra, tiết hương một cách nhẹ nhàng nhưng sâu sắc.
- Miệng rộng và thân nông giúp kiểm soát nhiệt độ tốt hơn. Tránh tình trạng hương nồng hoặc nước quá gắt. Đây là lựa chọn lý tưởng cho những ai muốn trải nghiệm tầng hương phức hợp và hậu vị kéo dài của trà.
- Thân thấp, miệng rộng cũng giúp quan sát vẻ đẹp của lá trà khi nở ra, đặc biệt thích hợp với các loại trà xanh non. Dáng này còn dễ vệ sinh dù dùng trà tơi như nham trà, khi bị nén xuống đáy, vẫn dễ dàng lấy ra.

3. Ấm vuông
Ấm vuông thường được xem là “nghệ thuật thưởng ngoạn” hơn là một dụng cụ pha trà lý tưởng. Những dáng như ấm Tứ Phương, ấm Lục Phương, ấm Truyền Lô, ấm Tăng Mao,… có hình khối độc đáo, bắt mắt. Chúng đòi hỏi tay nghề cực cao, nhất là kỹ thuật ghép đất phải thật đều và chính xác.
- Do thiết kế có nhiều góc cạnh, không gian bên trong thường khiến lá trà khó xoay chuyển, hương thơm bị cản trở, hiệu quả pha trà không bằng các dáng tròn hoặc dẹt.
- Tuy nhiên, nếu chọn dáng bụng lớn, bạn vẫn có thể dùng để pha Phổ Nhĩ chín – loại trà cần nhiệt lượng cao, thời gian ủ dài và thể tích lớn để tránh nước quá gắt.
- Điểm cộng lớn của ấm vuông là phù hợp pha trà đã chín lâu hoặc khi uống theo nhóm đông người. Vẻ ngoài đặc biệt cũng khiến chúng trở thành món sưu tầm đáng giá với các tay chơi tử sa lão luyện.
4. Chọn đúng ấm – Trọn vẹn hương vị
Mỗi dáng ấm tử sa đều mang cá tính riêng và có vai trò riêng trong thế giới trà đạo. Khi lựa chọn, bạn cần dựa vào:
- Loại trà bạn thường uống: Trà non, thanh nên chọn ấm thấp, thoát nhiệt tốt.Trà dày, mạnh nên dùng ấm giữ nhiệt cao, kín miệng.
- Sở thích cá nhân: Thích trà thơm, đậm hay nhẹ, thanh? Tùy khẩu vị mà chọn kiểu ấm phù hợp.
- Thói quen pha trà: Pha nhanh thì chọn ấm thấp, thích “ủ lâu” thì chọn ấm cao.
- Số người thưởng trà: Một mình dùng ấm nhỏ, đông người thì chọn ấm lớn, bụng rộng.

Xem thêm: Ấm tử sa càng nhỏ thì trà pha càng thơm?
Kết luận
Không có chiếc ấm tử sa nào là “tốt nhất”, chỉ có chiếc ấm phù hợp nhất với bạn và loại trà bạn yêu thích. Một chiếc ấm đúng dáng không chỉ nâng hương, giữ vị mà còn góp phần tạo nên một trải nghiệm trà đạo trọn vẹn và đầy thi vị. Chọn đúng ấm, không chỉ là một quyết định kỹ thuật – đó còn là một lựa chọn tinh tế và đầy cảm xúc.
TSTN tổng hợp và dịch