/ / / 6 loại hương thơm phổ biến của Phổ Nhĩ chín

6 loại hương thơm phổ biến của Phổ Nhĩ chín

Trong thế giới phong phú và sâu sắc của trà Phổ Nhĩ, hương thơm là “ngôn ngữ” đầu tiên mà người thưởng trà cảm nhận. Đặc biệt với dòng Phổ Nhĩ chín – loại Hắc trà nổi bật bởi vị dịu êm và dễ uống, hương thơm trở thành thước đo chất lượng. Nó phản ánh nguyên liệu, kỹ thuật chế biến, cũng như điều kiện lưu trữ.

Dưới đây là 6 loại hương phổ biến nhất thường gặp ở Phổ Nhĩ chín. Chúng được cộng đồng yêu trà ghi nhận và truyền lại như những “dấu hiệu nhận biết” một ấm trà ngon.

1. Hương trầm

Hương trầm là đặc trưng cốt lõi của Phổ Nhĩ chín. Mùi này chỉ xuất hiện sau khi trà được cất giữ một khoảng thời gian nhất định. Đó là sự kết tinh giữa nguyên liệu, kỹ thuật lên men và quá trình chuyển hóa theo thời gian.

Hương trầm là đặc trưng cốt lõi của Phổ Nhĩ chín

Khi thưởng trà, hương trầm gợi nhớ mùi gỗ cũ, nội thất gụ cổ, nhưng không ngột ngạt hay u uất. Ngược lại, đó là một loại hương dày dặn nhưng có sức sống, sâu nhưng không nặng. Nó mang lại cảm giác an hòa và ổn định. “Tính sống” chính là điểm mấu chốt, nếu một ấm trà Phổ Nhĩ chín có hương trầm mà thiếu sinh khí, đó không phải là trà ngon.

Hương trầm thực chất là tổ hợp mùi phức tạp: gỗ, thảo dược, đất, đôi khi có chút hương thuốc. Nó không xuất hiện ngay sau quá trình lên men, mà dần hình thành qua năm tháng lưu trữ. Quá trình này chủ yếu nhờ sự phân rã các hợp chất hữu cơ, đặc biệt là lignin trong cuống lá.

2. Hương long nhãn

Hương long nhãn (nhục nhãn khô) thường thấy ở những dòng Phổ Nhĩ chín chất lượng cao. Loại trà này thường dùng nguyên liệu tốt, được lên men sâu và sấy ở nhiệt độ cao.

Khi mở nắp ấm, bạn sẽ cảm nhận mùi ngọt dịu như khi bóc một trái long nhãn sấy. Hương này có điểm tương đồng với hương táo tàu, song tinh tế và nhẹ hơn. Nguyên nhân là do nguyên liệu thường là búp trà cấp cao (từ cấp 3 trở lên), ít gân lá, nên không tạo được lớp hương dày như hương táo tàu.

Phổ Nhĩ chín có hương long nhãn thường đem lại cảm giác thanh tao, dễ chịu. Đây là một trong những loại hương khiến người mới uống trà cũng dễ yêu thích ngay từ lần đầu.

3. Hương táo tàu

Đây là loại hương điển hình nhất của Phổ Nhĩ chín. Sau khoảng 3 – 5 năm lưu trữ, trà bắt đầu chuyển hóa ra mùi táo tàu khô: ngọt dịu, thoảng chút mộc hương. Nó giống như mùi của những quả táo tàu sấy truyền thống.

Trà có nhiều lá già và cuống thường đậm hương táo tàu

Hương táo tàu có thể chia thành ba loại nhỏ: hương táo sống, táo chín và táo đen. Mỗi loại phản ánh giai đoạn khác nhau trong quá trình lưu trữ, lên men và oxy hóa.

Loại hương này hình thành chủ yếu từ lá trà to, dày, già. Những phần này chứa nhiều đường và cellulose. Khi lên men, các hợp chất chuyển hóa thành đường hòa tan, tạo nên mùi ngọt đặc trưng. Vì vậy, trà có nhiều lá già và cuống thường sở hữu hương táo tàu rõ nét. Đây là dòng trà được đánh giá cao về tính kinh tế.

Xem thêm: Thời điểm lý tưởng để thưởng trà Phổ Nhĩ?

4. Hương gỗ long não

Hương thơm gợi nhớ mùi gỗ long não cũ, trầm, sâu, đôi phần gợi nhớ mùi gỗ của tủ hương, bàn thờ xưa. Loại hương này thường gặp ở những dòng Phổ Nhĩ chín được bảo quản tại khu vực Hoa Nam, đặc biệt là Quảng Đông – nơi có điều kiện khí hậu nóng ẩm, phù hợp với lưu trữ ẩm.

Tuy nhiên, đây cũng là mùi hương gây tranh cãi. Người miền Bắc thường cho rằng đây là “mùi ẩm kho”, còn ở miền Nam, đặc biệt là Quảng Đông và Hồng Kông, lại rất ưa chuộng. Điều này phản ánh sự khác biệt vùng miền trong thói quen uống trà.

Hương long não hình thành từ các hợp chất như camphene và fenchone. Chúng có đặc tính thơm mạnh, sát trùng, giúp trà giữ được lâu hơn. Một số dòng Phổ Nhĩ sống lưu kho ẩm lâu năm, cũng có thể xuất hiện dạng hương gọi là “thanh trầm”.

Hương long não hình thành từ các hợp chất như camphene và fenchone

5. Hương sâm 

Đây là một dạng hương “thăng hoa” sau hương long não. Khi trà từng mang hương long não được chuyển sang bảo quản trong điều kiện khô thoáng (gọi là “khô kho”), một phần hương gỗ long não sẽ lắng xuống. Thay vào đó là hương sâm nhẹ, thoảng đất, ngọt dịu như nhân sâm ngâm lâu năm.

Thành phần tạo nên hương này là sự kết hợp giữa palmitic acid (có trong đất) và acacia oil (mùi gỗ ngọt), cùng với các hợp chất từ quá trình oxy hóa tự nhiên. Nếu tiếp tục lưu trữ khô, hương sâm có thể chuyển hóa thành hương thuốc, hương gỗ, rồi dần mất đi và quá trình này là không thể đảo ngược.

Hương sâm từ Phổ Nhĩ chín rất hiếm có

Những người yêu trà Phổ Nhĩ chín lâu năm rất quý hương sâm. Bởi nó vừa hiếm, vừa thể hiện chiều sâu của quá trình lưu kho chuẩn mực.

6. Hương mộc

Là hương thơm quen thuộc, có hầu hết các dòng Phổ Nhĩ chín từ 2 – 3 năm tuổi trở lên. Hương mộc gợi nhớ mùi gỗ cũ, mộc mạc và yên ổn. Không xông lên cao như hương hoa, mà lan nhẹ, dịu dàng, rất phù hợp để uống trà mỗi ngày.

Hương mộc chủ yếu hình thành từ sự phân giải lignin trong gân cuống trà. Những dòng trà có nhiều cuống sau quá trình lên men và lưu trữ sẽ sinh ra mùi gỗ già. Đôi khi, nó bị nhầm với hương long não. Tuy nhiên, khác với long não có tính dược lý rõ, hương mộc êm và dễ chịu hơn. Nó không gây khó chịu cho phụ nữ có thai hoặc trẻ nhỏ.

Trà Phổ Nhĩ chín hương mộc rất phù hợp để uống trà hàng ngày

Xem thêm: Công dụng của trà Phổ Nhĩ mà bạn nên biết

Lời kết

Sáu loại hương thơm đặc trưng của Phổ Nhĩ chín là kết tinh của nguyên liệu, kỹ thuật và thời gian như dấu vân tay không thể trộn lẫn của từng ấm trà. Không chỉ để phân biệt, chúng còn là “ngôn ngữ mùi hương” giúp người thưởng trà đối thoại với ký ức, không gian lưu trữ và bàn tay nghệ nhân.

Dù đôi khi xuất hiện thêm hương thuốc, hương đất hay thảo mộc, thì chính hương trầm, long nhãn, táo tàu, long não, sâm và mộc mới là nền hương căn bản – nơi mọi hành trình khám phá Phổ Nhĩ chín bắt đầu và kết tụ.

TSTN tổng hợp và dịch