/ / / Văn hóa trà Trung Hoa

Văn hóa trà Trung Hoa

Trà đạo Trung Hoa là tinh hoa văn hóa, phản ánh chiều sâu tinh thần và triết lý phương Đông. Trong bài viết này, Tử Sa Trân Ngoạn sẽ cùng bạn tìm hiểu văn hóa trà Trung Hoa, sự hòa quyện giữa “Đạo” và “Nghệ”. Cũng như khám phá lý do vì sao nghệ thuật thưởng trà lại có sức hút đặc biệt, kể cả với những người không sinh ra trong nền văn hóa này.

Nguồn gốc của Trà đạo

Người Trung Quốc, ít nhất từ thời nhà Đường hoặc trước đó, đã là những người đầu tiên trên thế giới xem việc uống trà như một phương thức để tu thân dưỡng tính. Trong sách Phong Thị Văn Kiến Ký thời Đường có ghi lại rằng:

“Trà đạo đại hành, vương công triều sĩ vô bất ẩm giả.”
Tức là: trà đạo được phổ biến rộng rãi, vua quan quý tộc không ai không uống trà.

Trung Quốc là quê hương của trà, là quốc gia đầu tiên phát hiện và trồng cây trà, sử dụng lá trà. Trà đã đồng hành cùng dân tộc Trung Hoa qua bao thời kỳ lịch sử lâu dài. Khi lật giở từng trang trong cuốn sách văn minh 5000 năm của Trung Hoa. Gần như ở mỗi trang bạn đều có thể cảm nhận được hương thơm dịu dàng của trà.

Trà không chỉ là một loại đồ uống, mà còn là một nền văn hóa sâu sắc và phong phú. Văn hóa trà là một phần quan trọng trong văn hóa truyền thống Trung Hoa. Đây cũng là một viên ngọc rực rỡ trong dòng chảy văn minh của Trung Hoa cổ đại.

Nghi lễ thưởng trà

Trung Quốc là quê hương của cây trà, có lịch sử lâu đời về trồng trà, cùng với đó là nghi lễ uống trà nghiêm ngặt và phong tục uống trà độc đáo. Người Trung Hoa đã uống trà từ thời Thần Nông, tức là ít nhất hơn 4700 năm.

Truyền thống hiếu khách: “Khách đến thì dâng trà”

Lễ nghi trà từ xưa đã có. “Khách đến thì dâng trà” là truyền thống tốt đẹp về sự hiếu khách và lễ độ của người Hán. Cho đến ngày nay, khi có khách đến nhà, người ta vẫn thường mời một tách trà thơm. Trong những dịp lễ hội vui vẻ, cũng thường dùng trà và điểm tâm để chiêu đãi. Mở một buổi trà đàm vừa đơn giản, tiết kiệm lại tao nhã, trang trọng. Câu “Quân tử chi giao đạm như thủy” cũng là để ví von sự thanh nhã, nhẹ nhàng như trà.

Xem thêm: Tứ đại lễ nghi cần có khi thưởng trà

Trà trong hôn lễ: Biểu tượng của sự thủy chung

Lễ trà còn là một phần nghi thức quan trọng trong hôn lễ cổ truyền Trung Quốc. Trong sách Trà Thư Khảo Bản thời Minh của Hứa Thứ Sơ có viết:

“Trà bất di bản, thực tất tử sinh.”
Ý nói rằng: trà không thể di thực, chỉ có thể nảy mầm từ hạt giống, không thể cấy ghép, nếu không sẽ khô héo. Vì vậy, trà được coi là biểu tượng của sự thủy chung không thay đổi.

Phong tục “Tam trà lục lễ”

Do đó, trong dân gian, nam nữ đính hôn lấy trà làm lễ vật. Bên nữ nhận lễ vật từ bên nam gọi là “hạ trà” hay “trà định”, có nơi gọi là “thụ trà”. Đồng thời, có tục ngữ “nhất gia bất ẩm lưỡng gia trà” (một nhà không uống hai nhà trà – ý nói chỉ được hứa hôn với một nhà). Toàn bộ lễ cưới thường gọi chung là “Tam trà lục lễ”.

  • “Tam trà” gồm có: “Hạ trà” (lúc đính hôn), “Định trà” (lúc kết hôn), “Hợp trà” (lúc tân hôn).
  • “Hạ trà” còn gọi là “nam trà nữ tửu”, tức nhà trai mang theo trà và rượu đến đính hôn.
Trà trong hôn lễ

Nghi lễ “Tam đạo trà” trong lễ cưới

Trong lễ cưới còn có nghi lễ “tam đạo trà”:

  • Ly thứ nhất là trăm quả (biểu trưng cho phúc lộc)
  • Ly thứ hai là hạt sen, quả táo (sinh quý tử)
  • Ly thứ ba mới là trà.

Cách uống: sau khi nhận chén, dùng hai tay nâng lên, cúi người vái sâu rồi chỉ chạm nhẹ vào môi là được. Sau đó, người nhà sẽ thu lại.Các ly tiếp theo cũng làm như vậy, riêng ly thứ ba thì có thể uống. Đây là nghi lễ trang trọng nhất. Dù ngày nay nhiều phong tục đã giản lược, nhưng nghi lễ mời trà trong đám cưới vẫn được lưu truyền.

Trà đạo Trung Hoa

Mặc dù Trung Quốc từ xưa đã có khái niệm “Đạo”, nhưng không mang nặng màu sắc tôn giáo. Thay vào đó, Trung Hoa hòa hợp tư tưởng của Nho, Đạo, Phật. Cho phép người dân tự tạo ra không gian cho riêng mình, tùy hoàn cảnh và sở thích cá nhân mà họ lựa chọn hình thức và nội dung trà nghệ phù hợp, phát triển không ngừng. Chính vì vậy, trà đạo Trung Hoa không có hình thức tổ chức nghiêm ngặt hay giới luật cố định.

Cốt lõi Nho gia và sự kết hợp tinh hoa

Trà đạo Trung Hoa lấy tư tưởng Nho gia làm cốt lõi, kết hợp tinh hoa của Nho – Đạo – Phật, nội hàm phong phú. Nghệ thuật pha trà và tinh thần trà đạo là hạt nhân của văn hóa trà Trung Quốc.

  • “Nghệ” là chỉ kỹ thuật chế trà, nấu trà, thưởng trà – những biểu hiện hữu hình.
  • “Đạo” là tinh thần xuyên suốt trong toàn bộ quá trình nghệ trà – là nguyên lý, đạo lý, bản chất vô hình.

Nếu có “Đạo” mà không có “Nghệ” thì trở nên lý thuyết suông. Ngược lại, nếu có “Nghệ” mà không có “Đạo” thì vô hồn, thiếu khí chất. Sự kết hợp giữa trà nghệ và trà đạo, “nghệ trung hữu đạo, đạo trung hữu nghệ” – là sự thống nhất cao độ giữa vật chất và tinh thần trong văn hóa trà.

Trà thánh Lục Vũ

Từ thời Đường, tác phẩm “Trà Kinh” của Lục Vũ đã hệ thống hóa toàn bộ kiến thức về sản xuất và uống trà. Ông nêu cao tinh thần “hành vi tinh tế, đạo đức giản dị” trong trà đạo. Lục Vũ và những bậc trí sĩ như Giảo Nhiên không chỉ chú trọng đến trà cụ, nước pha hay kỹ thuật nấu trà. Họ còn xem trọng việc thưởng trà như một con đường dẫn con người tiến dần vào thế giới tinh thần sâu sắc. Trà đạo, vì vậy, hài hòa giữa tư tưởng của Nho, Đạo và Phật.

Sức hút của văn hóa trà

Văn hóa trà Trung Hoa đã khiến người dân trong nước say mê suốt nhiều thế hệ. Đồng thời, nó cũng có sức hấp dẫn mạnh mẽ với bạn bè quốc tế. Rất nhiều người yêu thích nghệ thuật pha và thưởng trà, dù không có gốc gác văn hóa Trung Hoa. Họ không chỉ say mê hương vị của trà, mà còn trân trọng sự tỉ mỉ, yên tĩnh và thiền định trong quá trình pha trà.

Có người nói rằng, khi cầm ấm rót trà, họ như tạm quên đi mọi muộn phiền trong cuộc sống. Uống trà một mình để lắng tâm. Uống trà cùng người khác để chia sẻ sự gần gũi, thư thái. Đó là cái thú của trà – là lý do vì sao trà trở thành một nghệ thuật sống.

Vườn trà Thành Gia, Tứ Xuyên – Ảnh: Vương Tiến

Trong quá trình phát triển, trà không chỉ đi vào đời sống thường nhật, mà còn trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho văn chương. Riêng trong “Toàn Đường Thi” đã ghi lại hơn 400 bài thơ về trà của hơn 100 thi nhân. Từ đó, trà không chỉ là một thức uống, mà còn là ánh sáng văn hóa. Nó lan tỏa khắp đời sống tinh thần, khiến cho sân khấu trà Trung Hoa rực rỡ và trường tồn theo thời gian.

Trên đây là những chia sẻ về trà đạo Trung Hoa – một nét văn hóa tinh tế, kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật pha trà và chiều sâu triết lý phương Đông. Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn thêm nhiều góc nhìn thú vị và giúp bạn cảm nhận trà như một nghệ thuật sống đầy thi vị và chiều sâu.

By TSTN