/ / / TRÀ ĐÔNG PHƯƠNG MỸ NHÂN

TRÀ ĐÔNG PHƯƠNG MỸ NHÂN

Trà Đông Phương Mỹ Nhân hay còn gọi là Bạch Hào Ô Long, là một loại trà Ô Long có nguồn gốc từ huyện Tân Trúc, Đài Loan. Loại trà này được phát minh ra không chỉ do bàn tay con người. Mà còn có sự giúp sức của một loại côn trùng.

Vào đầu thế kỷ 20 thì những người nông dân trồng trà ở Tân Trúc nhận thấy lá trà bị rầy xanh cắn tạo ra mùi thơm giống mật ong độc đáo. Đây là một cách mà cây trà tự vệ chống lại rầy xanh. Lá trà sẽ tự tiết ra một mùi ngọt giống như mật ong để thu hút các loài nhện như nhện xám trắng hay nhện đen. Đây chính là những loài thiên địch của rầy xanh.
Thay vì loại bỏ những lá trà xấu bị rầy cắn nham nhở. Thì những người nông dân này vẫn tiếp tục chế biến những lá trà này. Trà thành phẩm là một loại trà thơm nồng mùi mật ong xen lẫn với một chút hương hoa.

Truyền thuyết kể rằng loại trà này được đặt tên sau khi một thương gia trà người Anh tặng cho Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị. Bà đã yêu thích loại trà này đến nỗi bà đặt tên cho trà là Oriental Beauty hay Đông Phương Mỹ Nhân.

Trà Đông Phương Mỹ Nhân của Việt Nam

QUY TRÌNH CHẾ BIẾN

Quy trình sản xuất trà Đông Phương Mỹ Nhân đòi hỏi rất nhiều yếu tố phức tạp của tự nhiên lẫn con người.

Lá trà được thu hoạch trong những tháng hè oi bức. Đây chính là lúc mà côn trùng sinh sôi nhiều nhất. Và những lá trà chính là nạn nhân của rầy xanh. Rầy xanh sẽ gặm mép lá. Thế nên để tự bảo vệ thì lá trà sẽ tiết ra một mùi hương tương tự như mật ong. Mùi hương này sẽ dẫn dụ các loài nhện chính là thiên địch của rầy xanh.

Ở Tân Trúc khi xưa thì họ trồng chủ yếu là giống trà Thanh Tâm. Thế nên loại trà Đông Phương Mỹ Nhân đầu tiên được làm từ giống trà này. Sau này khi các giống trà mới của Đài Loan ra đời như Kim Huyên hay Thuý Ngọc thì những giống trà này cũng được sử dụng để làm Đông Phương Mỹ Nhân.

Ở Việt Nam thì chúng ta cũng trồng những giống trà Ô Long phổ biến của Đài Loan. Thế nên tuỳ theo mỗi nơi mà người ta sẽ chọn vườn để làm nên Đông Phương Mỹ Nhân.
Nếu là giống Thanh Tâm thì hương vị sẽ phức tạp nhất. Cân bằng giữa hương mật và hương hoa. Còn giống Kim Huyên thì sẽ thiên về mùi mật nhiều hơn.
Trà Đông Phương Mỹ Nhân là một dạng trà Ô Long lên men cao (khoảng 60-70%). Hay còn gọi là Ô Long đen. Nhóm trà này ít phổ biến ở Việt Nam hơn là Ô Long xanh.

CÁCH PHA TRÀ ĐÔNG PHƯƠNG MỸ NHÂN (Cơ bản)

Sau đây là một số bước cơ bản để bạn pha Trà Đông Phương Mỹ Nhân. Nếu có thể thì sau khi pha trà thuần thục thì bạn nên thay đổi cách pha để phù hợp với gu trà của bạn.
Hướng dẫn này dựa trên cách pha trà có tên là Công Phu. Về cơ bản thì cách pha này sẽ sử dụng ấm có dung tích nhỏ. Trà sẽ được hãm trong thời gian ngắn chỉ tính bằng giây.

  1. TỶ LỆ TRÀ VÀ ẤM: dùng 5g trà cho ấm có dung tích khoảng 150ml. Bạn có thể dùng ít hoặc nhiều trà hơn nếu muốn đậm trà hoặc nhạt trà hơn.
  2. NƯỚC PHA TRÀ: dùng nước sôi có nhiệt độ tầm 90 đến 95 độ C. Đối với dòng trà Đông Phương Mỹ Nhân thì chúng ta sẽ cố lấy hương và vị ngọt. Nên dùng nước nhẹ một chút sẽ giúp trà ngọt và dễ uống hơn.
  3. LÀM NÓNG ẤM CHÉN: Cho nước sôi và đầy khoảng 1/2 ấm và chén uống trà. Đợi khoảng 30s thì đổ nước này đi.
  4. TRÁNG TRÀ: cho trà vào ấm. Cho một ít nước sôi vừa đủ ngập lá trà. Đợi tầm 5s chúng ta sẽ đổ phần nước này đi. Mục đích của bước này là giúp lá trà ngấm nước đều hơn. Khi pha thì chất trà sẽ ra đều hơn.
  5. HÃM TRÀ: rót nước đầy ấm rồi hãm trà trong khoảng 20s.
  6. RÓT TRÀ: bạn nên rót trà ra tống, sau đó rót từ tống ra các chén để uống.
  7. HÃM TRÀ CÁC LẦN TIẾP THEO: đối với các lần hãm trà sau thì bạn chỉ cần cộng thêm 10s vào thời gian hãm. Chẳng hạn như pha nước nước hai là 30s. Rồi tăng lên từ từ cho đến khi nhạt trà rồi thôi.