Phân biệt khắc thủ công và khắc máy trên ấm tử sa
Khắc là một trong những kỹ thuật trang trí quan trọng nhất trong nghệ thuật chế tác ấm tử sa. Dùng dao thay cho bút, nghệ nhân khắc họa chữ viết, tranh vẽ lên thân ấm. Nhờ đó, mỗi chiếc ấm mang vẻ đẹp độc đáo, sâu sắc và đậm dấu ấn cá nhân.
Tuy nhiên, ngày nay với sự phát triển của công nghệ, nhiều sản phẩm được khắc bằng máy để tăng tốc độ và giảm chi phí. Vậy sự khác biệt giữa khắc thủ công và khắc máy là gì? Làm sao để phân biệt?
Nghệ thuật khắc trên ấm tử sa là gì?
1. Nguồn gốc của nghệ thuật chạm khắc trên ấm tử sa
Theo ghi chép trong Ký sự Khu Vườn Sạch của Thái Tư Triêm vào cuối đời Nguyên, có ghi chép:
“Ta tình cờ có được một chiếc bình tử sa tại Bạch Hạ”, trên đó có khắc năm chữ thảo thư “且吃茶。清隐” (Tạm dịch: Hãy uống trà, Thanh Ẩn).
Đây được xem là dòng chữ khắc trên tử sa sớm nhất từng được ghi nhận. Từ đó, nghệ thuật chạm khắc gắn liền với văn hóa tử sa, phát triển thành một dòng nghệ thuật tổng hòa giữa văn học, thư pháp, hội họa và mỹ thuật kim thạch.

2. Khái niệm khắc trên ấm tử sa
Khắc tử sa chính là dùng dao thay bút, kết hợp tinh thần của văn nhân và tay nghề của thợ thủ công. Đây là một trong những kỹ thuật trang trí chính của dòng tử sa. Nghĩa là dùng phương pháp khắc họa để thể hiện nghệ thuật thư họa trên sản phẩm gốm.
Về sau, khắc gốm không chỉ dừng lại ở tạo hình mà còn kết hợp cả thư pháp, hội họa và điêu khắc đá (kim thạch). Điều này khiến khắc tử sa trở thành loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc.

Xem thêm: Làm ra một chiếc ấm tử sa thuần thủ công khó đến mức nào?
3. Hình thức khắc trên ấm tử sa
Khắc tử sa được chia làm hai hình thức cơ là khắc sống và khắc chín cụ thể như sau:
Khắc sống
Khắc sống là kỹ thuật chủ yếu thực hiện bằng tay, được thực hiện trên phôi ấm chưa nung, đòi hỏi kỹ năng cao và độ chính xác tuyệt đối. Nó bao gồm ba phương pháp:
- Khắc theo nét mực: Trước tiên dùng bút lông viết thư họa trực tiếp lên thân ấm, sau đó khắc theo đường nét đã viết.
- Khắc in: Chuyển bản thảo thư họa lên phôi ấm, rồi tiến hành khắc theo từng nét.
- Khắc tay tự do (không vẽ trước): Trực tiếp dùng dao khắc trên phôi mà không phác họa trước. Phương pháp này đòi hỏi kỹ thuật rất cao vì không thể sửa lỗi, độ dung sai gần như bằng không.

Ngoài ra, nghệ nhân còn sử dụng nhiều phương pháp dao khác nhau: đao đơn, đao kép, đao lướt, đao phủ, đao chậm… để tạo nên chiều sâu, độ nổi, nét sắc hoặc mềm mại theo ý đồ nghệ thuật.
- Khắc dao đơn yêu cầu đường nét liền mạch, dứt khoát trong một nhịp thở. Dùng đao nghiêng để khắc, đòi hỏi nghệ nhân có nền tảng vững chắc về bố cục, thư họa và triện khắc. Tất cả từ độ nặng nhẹ, đậm nhạt, dày mỏng đến kích cỡ đều do nghệ nhân tự kiểm soát.
- Khắc dao kép càng khó hơn. Vì khắc sâu, mà thân tử sa lại có kết cấu hạt nên rất dễ bị nứt hoặc “nổ”, đặc biệt khi cần thể hiện nét mềm mại, tròn đầy. Đòi hỏi tay nghề linh hoạt và cảm nhận tinh tế.

Một số kỹ pháp chạm khắc tiêu biểu như: khắc nét rõ (清刻), khắc nền sần (砂地刻), khắc tô màu (着色刻), khắc nổi (阳刻), và khắc tay tự do (空刻) đều thuộc về khắc sống.
Khắc chín:
Đây là loại khắc được tiến hành sau khi ấm đã nung xong, thường dùng máy móc hỗ trợ, phổ biến trong sản xuất công nghiệp. Có 2 phương pháp chủ yếu:
- Khắc laser: dùng tia laser tạo vết lõm trên thân ấm.
- Khắc phun cát (hay khắc vi tính): kết hợp giữa máy móc và thủ công.
Quy trình khắc vi tính gồm:
- Thiết kế nội dung trên máy tính, in mẫu lên tấm nhựa.
- Dùng tay cắt rỗng phần cần khắc như kỹ thuật cắt giấy.
- Dán mẫu lên thân ấm, dán viền bảo vệ xung quanh.
- Dùng súng khí áp suất cao phun cát qua khuôn rỗng để khắc lên thân ấm.
Dù độ sâu có thể lớn hơn laser, nhưng kết quả vẫn đồng đều, thiếu biến hóa và không có dấu vết thủ công.
Cách nhận biết chạm khắc thủ công và khắc máy
Tiêu chí | Chạm khắc thủ công | Khắc máy (laser/phun cát) |
Độ sâu – nông | Không đồng đều, có tầng lớp | Đồng đều, một chiều |
Đường nét | Tự nhiên, có vết dao bút | Trơn tru, phẳng lì |
Cảm xúc | Mang hồn cốt và tinh thần nghệ sĩ | Cứng nhắc, rập khuôn |
Khả năng sản xuất | Mỗi chiếc là độc bản | Có thể sản xuất hàng loạt |
Một số ví dụ cụ thể:
- Khắc tay có độ sâu nông tự nhiên, như những rãnh khe ngoằn ngoèo.
- Khắc máy phẳng và đều, giống như lòng sông được san phẳng bằng khuôn.
- Khắc tay có thể nhìn thấy tinh thần thư pháp, còn khắc máy như một bản sao vô hồn.

Xem thêm: Sáu yếu tố bình phẩm ấm tử sa
Kết luận
Khắc máy tạo ra sản phẩm đồng đều, còn khắc tay tạo nên dấu ấn không thể lặp lại. Mỗi đường khắc thủ công là sự kết tinh giữa kỹ thuật, cảm xúc và văn hóa. Đó chính là giá trị khiến một chiếc ấm trở thành tác phẩm nghệ thuật.
TSTN tổng hợp và dịch