/ / / CHƠI TỬ SA

CHƠI TỬ SA

1. SƠ LƯỢC VỀ TỬ SA

  • Nguồn gốc: “Tử sa” là một từ dùng chung để nói về một loại đất chỉ có duy nhất tại Đinh Thục Trấn huyện Nghi Hưng tỉnh Giang Tô của Trung Quốc, cho đến thời điểm hiện tại người ta chưa tìm được nơi nào khác có nguồn đất có thành phần hoá học giống như đất Tử sa tại Đinh Thục Trấn.
  • Phân loại: đất Tử sa hiện tại được phân chia thành 4 nhóm chính: Tử nê, Hồng nê, Lục nê, Đoạn nê.
    • Nhóm đất Tử nê gồm các loại đất khi nung xong có màu nâu, tím hoặc tương tự, gồm có các loại đất được chia cụ thể hơn là: Tử nê, Thiên thanh nê, Đế tào thanh, Thanh thủy nê, …. 
    • Nhóm đất Hồng nê gồm các loại đất khi nung xong có màu đỏ, nâu đỏ hoặc tương tự, gồm các loại đất được chia cụ thể là Hồng nê, Chu nê, Đại hồng bào, Hồng bì long,… 
    • Nhóm đất Lục nê gồm các loại đất khi chưa nung có màu xanh xám nhạt, nung xong có màu vàng hoặc hơi vàng xanh.
    • Nhóm đất Đoạn nê là các loại đất hỗn hợp của các loại đất trên, khi khai thác ngoài tự nhiên có những vị trí không thể tách ra và phân loại rõ ràng được (do viên đất quá nhỏ) thì người ta sẽ để chung để nghiền ra, sau khi nghiền xong thì đất đó gọi chung là đoạn nê. Chính do sự hỗn hợp này nên đất đoạn nê có rất nhiều màu sắc khi nung xong, từ vàng, xám, nâu, đỏ,… Và cũng có nhiều tên gọi riêng khác nhau.
  • Đặc tính: đất tử sa được khai thác trong lòng đất, sau khi khai thác về sẽ được phân loại, rồi nghiền nhuyễn, trộn với nước, ủ trong lu ít nhất 1 năm để lắng lọc và phân hủy các thành phần hữu cơ, sau đó được đóng thành khối và lưu trữ. Đất tử sa khi trộn nước có đặc tính mềm dẻo nhưng khô nên không thể dùng bàn xoay để tạo hình, mà người nghệ nhân muốn tạo hình phải dùng kỹ thuật ghép nối hết sức khéo léo để tạo hình tác phẩm. Chính vì vậy nên dùng đất tử sa để sáng tạo tác phẩm sẽ không có giới hạn, nó tùy thuộc vào sự sáng tạo của nghệ nhân. Ngoài ra tử sa là một loại đất hết sức đặc biệt bản thân nó có thể tự cấu thành sản phẩm sau khi nung và nó có thể tự giữ hình dáng khi nung đến 1200 – 1300 độ C, mà không cần phải pha trộn thêm cao lanh hoặc các loại khoáng chất khác vào. Sau khi nung xong bề mặt tử sa tuy láng mịn nhưng nếu nhìn dưới kính phóng đại sẽ thấy nhiều khe rãnh nhỏ, những khe rãnh này được gọi là khí khổng. Chính sự hình thành các khí khổng này sau khi nung xong đã tạo cho đất Tử sa một đặc tính vô cùng hiếm có, tuy láng mịn cứng chắc nhưng có độ xốp và thông thoáng nhất định.
  • Ứng dụng: Với khả năng tạo hình đa dạng và tính chất sau khi nung xong hết sức độc đáo, nên Tử sa được ứng dụng nhiều lĩnh vực trong đời sống, nhất là các lĩnh vực liên quan đến nghệ thuật. Làm ấm trà, làm lý uống nước, làm chậu cây, làm tượng, làm phù điêu, lu hũ đựng nước,….
  • Tử sa và trà: Ngoài khả năng tạo hình nghệ thuật độc đáo không giới hạn, đa dạng màu sắc, độ quý hiếm của nguồn nguyên liệu thì các ấm trà được làm bằng đất Tử sa luôn pha ra nước trà ngon hơn hẳn các ấm trà bằng chất liệu khác. Điều này đã được tất cả các người uống trà từ sành sỏi đến nghiệp dư phải công nhận. Trà và Tử sa là một sự kết hợp hoàn hảo, Trà đưa Tử sa lên thành nghệ thuật đỉnh cao, Tử sa giúp phát huy hết tinh túy của Trà.
Cổng vào núi Hoàng Long Sơn
Cổng vào núi Hoàng Long Sơn tại Đinh Thục Trấn

2. CÁC KỸ THUẬT LÀM ẤM:

  • Làm thuần thủ công. Người nghệ nhân hoàn toàn dùng đôi bàn tay của mình và vài dụng cụ đơn giản để tạo hình và sáng tác ra những chiếc ấm tử sa.
Lý Hàng Dũng đang làm ấm thuần thủ công.
Lão sư Lý Hàn Dũng làm ấm thuần thủ công
  • Trợ khuôn. Trong các công đoạn để làm ra một chiếc ấm tử sa công đoạn làm thân ấm là khó nhất, nên để đơn giản hóa quá trình người thợ sẽ dùng khuôn thạch cao để hỗ trợ tạo hình thân ấm. Ngoài ra sẽ có thêm các khuôn khác hỗ trợ tạo hình nắp ấm, vòi ấm, quai ấm để cho đúng tỷ lệ với thân ấm. Dùng khuôn để rút ngắn thời gian làm ấm được gọi là làm ấm trợ khuôn hoặc làm ấm bán thủ công.
Làm ấm trợ khuôn
  • Máy cơ khí. Trợ khuôn mà làm bằng tay thì cũng tốn thời gian, để rút ngắn thời gian hơn nữa người ta dùng máy cơ khí để tiết kiệm sức người và nâng cao năng suất sản xuất.
Làm ấm bằng máy
  • Bàn xoay. Bàn xoay cũng là một kỹ thuật làm ấm, đặc biệt dùng để làm các ấm có thân tròn. Nhưng dùng bàn xoay thường chỉ để làm các ấm có chất liệu không phải tử sa thường là đất sét hoặc cao lanh. Do đất sét hoặc đất sét trộn cao lanh nung không tráng men thì sau khi thành phẩm nếu không rành thì nhìn có thể bị lầm tưởng là tử sa. Do đó nếu ấm được làm bằng kỹ thuật bàn xoay thì chắc chắn không phải là ấm tử sa.
ấm làm bằng bàn xoay
Làm ấm bằng bàn xoay
  • Rót khuôn. Để làm được ấm trà số lượng lớn và giống nhau hoàn toàn, thì người ta phải sản xuất công nghiệp. Rót khuôn là cách để sản xuất công nghiệp, họ pha bùn với một số thành phần khác để thành một hỗn hợp lỏng, sau đó rót vào khuôn thạch cao để tạo hình 1 chiếc ấm có đầy đủ các bộ phận, sau đó chỉ việc lấy ra và đem đi nung. Ấm làm bằng cách này thì hoàn toàn không phải là đất tử sa.
Ấm rót khuôn

3. CÁC HƯỚNG CHƠI ẤM HIỆN TẠI.

  • Ấm cổ, ấm cũ.
    Đại diện các nghệ nhân: Thời Đại Bân, Cung Xuân, Trần Minh Viễn
    Tử sa đã có từ xa xưa, nó là một khoán sản trong lòng đất nên đã được hình thành từ hàng triệu năm trước. Tuy nhiên Tử sa được dùng để làm ấm trà thì từ khoảng năm 1533 (ở thời điểm hiện tại chiếc ấm tử sa cổ nhất được phát hiện được làm vào khoản năm 1533, hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng Nam Kinh). Từ đó đến nay đã trải qua nhiều thời kỳ thăng trầm của ấm tử sa. Nhưng mốc cuối của giai đoạn này là năm 1997, khi các xưởng làm ấm tử sa theo hình thức hợp tác xã chính thức đóng cửa. Do đó các ấm tử sa được làm trong giai đoạn từ năm 1533 đến 1912 được gọi là ấm cổ, từ 1912 đến 1997 được gọi là ấm cũ (từ năm 1912 đến 1955 được gọi là ấm thời kỳ dân quốc, từ 1955 đến 1997 được gọi là ấm thời kỳ hợp tác xã hay thời kỳ xưởng 1). Ấm cổ thì rất quý hiếm nhưng chính vì vậy dễ bị làm giả, người sưu tầm không có kiến thức chắc chắn sẽ bị lừa mua phải ấm giả. Còn ấm cũ thì hầu như kỹ thuật không cao, không đẹp nên cũng ít người sưu tầm, một số ít người sưu tầm ấm cũ vì chất liệu đất, hoặc vì một số ít ấm đẹp.
2 ấm cổ của Thời Đại Bân
  • Ấm nghệ nhân 12 cấp.
    Đại diện các đại sư: Cố Cảnh Chu, Tưởng Dung, Bào Chí Cường, Hà Đạo Hồng, ….
    Sở dĩ gọi là ấm nghệ nhân 12 cấp, vì các nghệ nhân làm ấm tử sa này mỗi 4 năm phải đi thi 1 lần để lên cấp, các cuộc thi này do nhà nước Trung Quốc tổ chức và cấp chứng chỉ, tổng cộng có 12 cấp chứng chỉ từ thấp đến cao nhất. Số đông các nghệ nhân này làm ấm phục vụ chính cho thị trường và nhu cầu uống trà của đại đa số người dân uống trà. Chính vì để phục vụ cho số đông nên giá cả phải cạnh tranh, mẫu mã phải đa dạng, số lượng phải nhiều. Cũng do vậy nên phần lớn ấm sẽ được làm trợ khuôn. Thậm chí một số nghệ nhân 12 cấp, cụ thể các nghệ nhân cấp thắp còn dùng đất tử sa phẩm chất kém hoặc không phải tử sa để làm ra những chiếc ấm giá rẻ số lượng lớn.
  • Ấm nghệ nhân dân gian.
    Đại diện các nghệ nhân: Từ Kim Căn, Cao Kiến Hoa, Hứa Á Quân,…
    Có một số ít người làm ấm tử sa lớn tuổi ở Nghi Hưng luôn làm theo kiểu truyền thống, thường làm thuần thủ công, họ không cần kiếm nhiều tiền, họ không quan tâm thi cử, họ chỉ cần bán ấm để phục nhu cầu cuộc sống. Những người này luôn làm ấm thuần thủ công bằng đất tử sa, đều đặn hàng ngày theo thói quen vài mẫu ấm quen thuộc. Ấm của họ ngoài việc uống trà ngon thì cũng đáng sưu tầm, vì nó thể hiện được nét đẹp truyền thống của tử sa.
  • Ấm thực lực phái.
    Đại diện các lão sư: Đường Bân Kiệt (đã mất), Lý Hàn Dũng, Châu Hồng Bân, Ngô Giới Minh, Cao Húc Phong, Ngô Đông Nguyên, Trương Dần, Châu Vũ Kiệt, Chu Cần Dũng,…
    Có một số ít nghệ nhân thuộc hàng tinh anh tại Đinh Thục Trấn, họ rất giỏi và am hiểu sâu về tử sa, họ luôn tâm niệm phải phát triển tử sa nhưng vẫn phải giữ được truyền thống vốn có từ xưa. Họ hàng ngày cần mẫn nghiên cứu về tử sa, sáng tác ra những dáng ấm mới, mỗi dáng ấm họ chỉ làm một lần, sau khi hoàn thành họ không tái tục lại dáng đó. Họ luôn làm ấm bằng những kỹ thuật truyền thống thuần thủ công như những ấm khi xưa các bậc tiền nhân đã làm, nhưng tinh xảo và trau chuốt hơn. Họ trân trọng và xem ấm tử sa như là một tác phẩm nghệ thuật chứ không đơn thuần chỉ là một cái ấm để uống trà. Ngoài việc sáng tác và làm ấm, họ luôn muốn phục dựng giá trị truyền thống của tử sa, họ còn đào tạo lớp nghệ nhân tiếp nối phải luôn biết giữ nghề, yêu tử sa và làm ấm tử sa chân chính. Với họ việc đi thi hay chứng chỉ không quan trọng, mà cái quan trọng là giá trị tác phẩm trường tồn theo thời gian. Mỗi tác phẩm làm ra họ điều phải đáp ứng 3 tiêu chí: Thuần thủ công; Không làm lại dáng ấm cũ đã làm; Số lượng làm giới hạn.
ấm Minh Lư của Lão sư thực lực phái Ngô Giới Minh

4. ĐIỀU GÌ LÀM NÊN GIÁ MỘT CHIẾC ẤM

  • Đất. Đất là nguyên liệu cần thiết để làm nên một chiếc ấm tử sa, đất tử sa ngày nay đã bị hạn chế khai thác rất nhiều, nhưng đất tốt chuẩn tử sa vẫn không khó để tìm được. Nên đất chiếm khoảng 10-30% giá trị một chiếc ấm thông thường.
  • Kỹ thuật, độ khó. Yếu tố này quyết định tương đối đến giá trị một chiếc ấm, hiển nhiên những chiếc ấm làm cẩn thận tỉ mỉ sẽ được người sưu tầm ưu tiên chọn trước. Nó cũng quyết định khoảng 20-30%
  • Nghệ thuật, ý tưởng. Yếu tố này tuy vô hình nhưng nó là then chốt để đưa ra quyết định sở hữu của người chơi người sưu tầm. Nó quyết định khoảng 30-40%
  • Nghệ nhân. Nếu là một tác phẩm nghệ thuật thì người làm nên nó cũng không kém phần quan trọng, vì họ thể hiện linh hồn cho tác phẩm, tác phẩm có tồn tại vững bền về sau hay không phần lớn nhờ vào thanh danh của nghệ nhân. Yếu tố này quyết định khoảng 0% – 60% theo thời gian.
  • Độ hiếm. Giá trị về độ hiếm sẽ tăng theo các giá trị phía trên, các yếu tố trên có nhiều giá trị thì độ hiếm sẽ tăng, ngược lại các yếu tố ở trên không đạt được giá trị nhất định thì dù chỉ có duy nhất 1 món cũng không ai coi là hiếm. Nó quyết định 0% – 40%
Bộ ấm Tùng Thử Bồ Đào của Cố Cảnh Chu trị giá 89.600.000 RMB (khoản 322 tỷ đồng)

5. LỜI KHUYÊN CHỌN ẤM

  • Nếu chỉ cần một chiếc ấm để uống trà, bạn nên chọn một chiếc ấm chuẩn đất tử sa Nghi Hưng, có thể chọn ấm trợ khuôn để giảm chi phí.
  • Nếu cần tìm một chiếc ấm để uống trà cho ngon, bạn nên tìm những chiếc ấm được làm thuần thủ công chuẩn đất tử sa Nghi Hưng.
  • Nếu muốn có một chiếc ấm vừa uống trà ngon, một tác phẩm vừa đẹp để sưu tầm, bạn nên chọn những chiếc ấm thuần thủ công và có độ quý hiếm nhất định.
  • Điều quan trọng khi chơi là phải trang bị kiến thức đầy đủ để không bị lạc lối. Kiên định với con đường mình đã chọn nếu nó phù hợp với mình. Cuối cùng cách chơi nào, lựa chọn nào cũng đáng được trân trọng cả.

by TSTN

Giới thiệu một số ấm tử sa đẹp tại TỬ SA TRÂN NGOẠN: https://tusatranngoan.vn/c/am-thuc-luc-phai/